Theo AP hôm 16-7, 1 người phụ nữ 61 tuổi đã thiệt mạng và 4 người khác bị thương trong vụ nổ súng ở khu phố Catia, phía Tây thủ đô Caracas.
Thời điểm đó, những người ủng hộ chính phủ cưỡi mô-tô xông vào một địa điểm bỏ phiếu của phe đối lập tại nhà thờ.
Người đứng đầu quận Sucre Carlos Ocariz (thuộc phe đối lập), cáo buộc các nhóm bán quân sự thân chính phủ đã tấn công cử tri bên ngoài nhà thờ Our Lady of Carmen lúc 15 giờ ngày 16-7 (giờ địa phương). Một y tá tên Xiomara Soledad Scott đã thiệt mạng sau vụ nổ súng này.
Trong đoạn video đăng tải trên mạng xã hội, hàng trăm người hoảng loạn khi nhìn thấy mô-tô xông vào và tiếng súng vang lên.
Người dân Venezuela đi bỏ phiếu ngày 16-7. Ảnh: AP
Tổng thống Maduro không nhắc tới sự cố trên trong bài phát biểu trên truyền hình sau khi cuộc bỏ phiếu kết thúc vào 16 giờ cùng ngày. Tuy nhiên, ông kêu gọi chấm dứt bạo lực "do phe đối lập châm ngòi".
"Tôi kêu gọi phe đối lập hành động vì hòa bình, tôn trọng hiến pháp, ngồi xuống và nói chuyện. Chúng ta hãy bắt đầu một vòng đàm phán mới, đối thoại vì hòa bình" – nhà lãnh đạo Venezuela tuyên bố.
Cuộc bỏ phiếu chính thức dự kiến tổ chức vào ngày 30-7 tới để bầu ra các thành viên của một hội đồng phụ trách việc viết lại hiến pháp năm 1999 của Venezuela.
Liên minh Thống nhất Dân chủ Venezuela, gồm khoảng 20 đảng đối lập, đã in 14 triệu phiếu cho cử tri trong và ngoài nước (ít nhất là 31 triệu người) trong cuộc bỏ phiếu biểu tượng nói trên.
Các nhà phân tích nói rằng chỉ cần 8 triệu cử tri bỏ phiếu phản đối kế hoạch viết lại hiến pháp thì áp lực lên chính phủ sẽ gia tăng đáng kể.
Ông Juan Madriz, nhân viên công ty bảo hiểm, 45 tuổi, cho biết ông không phản đối kế hoạch viết lại hiến pháp nhưng phản đối quyết định của Tổng thống Maduro, trong đó định thực hiện kế hoạch này mà không thông qua bỏ phiếu giống như người tiền nhiệm Hugo Chavez đã làm.
Còn bà Isabel Santander, một kiểm toán viên đã nghỉ hưu, 67 tuổi, chia sẻ bà bỏ phiếu chống lại ý tưởng thành lập hội đồng hiến pháp để lên án sự sụp đổ của nền kinh tế đất nước.
"Tôi bỏ phiếu vì không có thuốc men, không có thức ăn, không có an ninh. Không có sự phân rõ quyền hạn, không có tự do ngôn luận" – bà Santander nhấn mạnh.
Các cuộc thăm dò cho thấy chỉ có 20% người dân Venezuel muốn viết lại bản hiến pháp được ban hành thời cố Tổng thống Hugo Chavez năm 1999.
Trong khi Tổng thống Maduro và quân đội kiểm soát hầu hết các cơ quan nhà nước, phe đối lập lại nắm trong tay quốc hội và giữ 3/23 vị trí thống đốc bang.
Bình luận (0)