Đó là bình luận của tờ Chicago Tribune (Mỹ) về quyết định cung cấp vũ khí cho đất nước Bắc Phi đầy hỗn loạn.
Quyết định này được hơn 20 nước, trong đó có Mỹ, đưa ra trong hội nghị ngày 16-5 tại Geneva - Thụy Sĩ. Chính phủ được quốc tế công nhận của Libya - vừa thành lập giữa tháng 5 - sẽ nhận được vũ khí để đối phó IS (vốn đang kiểm soát TP ven biển Sirte) cùng các nhóm vũ trang khác nhằm giành lại quyền kiểm soát trên toàn đất nước.
Ngoài mối lo IS, châu Âu còn nhấp nhổm bởi nguy cơ làn sóng di cư qua ngả Libya và trung tâm Địa Trung Hải sẽ tăng vọt - một phần bởi tuyến đường từ Thổ Nhĩ Kỳ qua biển Aegean tới Hy Lạp đang bị Liên minh châu Âu (EU) và Ankara bịt dần.
Không chỉ vì lợi ích của chính mình, phương Tây buộc phải có trách nhiệm, như lập luận cứng rắn của tân Thủ tướng Libya Faiez Serraj tại cùng hội nghị nêu trên. “Sau năm 2011, họ rút đi, để ngỏ Libya cho nhiều nước can thiệp và đẩy chúng tôi tới tình cảnh hôm nay” - ông Serraj kết luận.
Sự kiện năm 2011 chính là việc liên quân quốc tế hỗ trợ phe nổi dậy lật đổ nhà lãnh đạo Muammah Gaddafi rồi bỏ mặc Libya không một ngày yên ả trong cảnh “chia năm xẻ bảy”. Từ chỗ là một trong những nước giàu nhất châu Phi với trữ lượng dầu mỏ khổng lồ, Libya kiệt quệ đến mức phải sống nhờ viện trợ nhân đạo. Chính Tổng thống Mỹ Barack Obama thừa nhận sai lầm lớn nhất trong nhiệm kỳ của ông là thiếu một kế hoạch hậu chiến cho Libya.
Dù vậy, việc cung cấp vũ khí cho chính phủ Libya đi kèm rất nhiều nguy cơ. Chicago Tribune nhắc nhở các nước phải cẩn trọng không để vũ khí và đạn dược đi nhầm địa chỉ, nhất là khi Libya đang là chiến trường của quá nhiều nhóm vũ trang, bộ tộc và các tay súng cực đoan. Tờ báo gợi lại quá khứ không mấy dễ chịu ở Iraq, nơi rất nhiều vũ khí và xe bọc thép Humvee do Mỹ cung cấp lọt vào tay IS sau khi quân đội Iraq nháo nhào bỏ chạy khỏi TP Mosul vào tháng 6-2014.
Một trở ngại khác đến từ chính phủ Libya. Khó khăn lắm, nội các gồm 18 bộ trưởng của Thủ tướng Serraj mới được hình thành song họ vẫn chưa giành được sự ủng hộ tuyệt đối của quốc hội Libya đầy chia rẽ. Theo tướng David Rodriguez, tư lệnh Bộ Chỉ huy châu Phi của Mỹ, nước này thực sự phụ thuộc vào chính phủ Libya để quyết định sẽ trang bị và huấn luyện cho lực lượng nào tại đây.
Dù hoan nghênh sự hỗ trợ về vũ khí và huấn luyện, thậm chí Thủ tướng Serraj còn đòi bỏ ngay cấm vận vũ khí, song Libya đã vạch giới hạn một cách kiên quyết. “Chúng tôi đang tái cấu trúc quân đội, với bước đầu là thành lập lực lượng Vệ binh Tổng thống. Một đơn vị điều hành đặc biệt giữa Misrata và Sirte cũng đã hoạt động. Đây là những cái đinh đầu tiên đóng vào quan tài của kẻ thù chung của chúng ta - bọn khủng bố. (…) Chúng tôi sẽ đánh bại IS bằng nỗ lực của chính mình mà không có sự can thiệp của quân đội nước ngoài” - ông Serraj nhấn mạnh.
Quan điểm này xuất phát từ nỗi ám ảnh bị thế lực bên ngoài cai trị, như thời Libya là thuộc địa của Ý. Chính vì vậy, sau khi ông Gaddafi mất mạng, chính quyền lâm thời Libya gạt phắt ý tưởng về sự hiện diện của một lực lượng do Liên Hiệp Quốc đứng đầu. Thủ tướng Serraj nói: “Sự chia rẽ, chứ không phải IS, mới là kẻ thù lớn nhất của chúng tôi. Thiếu đoàn kết khiến người Libya bất lực trước những kẻ phá hoại đất nước”.
Theo ông Serraj, cách tốt nhất để loại trừ các mối lo của châu Âu về khủng bố và người di cư chính là giúp Libya ổn định, an ninh và phát triển kinh tế. “Đó là giải pháp dài hạn duy nhất. Binh sĩ và tàu thuyền nước ngoài không phải là đáp án” - ông chốt lại.
Bình luận (0)