"Tôi đã lắng nghe cẩn thận ý kiến của tất cả những người bày tỏ mối quan ngại" - Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus giải thích về bước đi trên.
Theo đài BBC, trước đó, ông Ghebreyesus ca ngợi Zimbabwe vì những cam kết của nước này với y tế cộng đồng. Tổng Giám đốc WHO hy vọng ông Mugabe sẽ tận dụng vai trò đại sứ thiện chí của mình để gây ảnh hưởng đến những người đồng cấp của ông trong khu vực.
Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe bị rút khỏi vị trí đại sứ thiện chí của WHO. Ảnh: Reuters
Thế nhưng, quyết định bổ nhiệm ông Mugabe nhanh chóng vấp phải làn sóng chỉ trích từ chính phủ Anh, thủ tướng Canada, tổ chức Wellcome Trust, Liên minh phòng chống bệnh không lây nhiễm (NCD Alliance), Tổ chức Theo dõi Liên Hiệp Quốc (UN Watch), Liên đoàn Tim mạch thế giới (WHF), Tổ chức chống hút thuốc, các luật sư Zimbabwe và đông đảo người sử dụng mạng xã hội.
Những người chỉ trích cho rằng hệ thống chăm sóc sức khỏe của Zimbabwe đã sụp đổ trong những năm gần đây. Trong suốt 20 năm đầu cầm quyền, Tổng thống Mugabe mở rộng dịch vụ chăm sóc sức khỏe nhưng hệ thống y tế nước này bị ảnh hưởng nặng nề do sự sụp đổ của nền kinh tế từ năm 2000.
Các quan chức thường không trả tiền khám bệnh, nguồn cung thuốc thiếu thốn trong khi ông Mugabe lại ra nước ngoài chữa bệnh.
Theo ông Ghebreyesus, quyết định rút chức đại sứ thiện chí của ông Mugabe được đưa ra sau khi tham vấn với chính quyền Harare và vì lợi ích cao nhất của WHO. Tuy nhiên, ông Ghebreyesus vẫn khẳng định sẽ duy trì cam kết làm việc với tất cả các nước và lãnh đạo để xây dựng hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn cầu.
Ông Jeremy Farrar, chuyên gia y tế toàn cầu và là giám đốc tổ chức từ thiện Wellcome Trust và NCD Alliance, hoan nghênh động thái trên. Phương Tây đến nay vẫn đổ lỗi cho tổng thống 93 tuổi này phá hủy nền kinh tế của Zimbabwe và có nhiều vi phạm về nhân quyền trong suốt 37 năm lãnh đạo đất nước với tư cách là tổng thống hoặc thủ tướng.
Bình luận (0)