Ngay sau khi tuyên thệ nhậm chức tổng thống Hàn Quốc, ngày 10-5, ông Moon khẳng định sẵn sàng bay tới bất cứ đâu như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và cả Triều Tiên. "Tôi sẽ làm bất cứ gì có thể để đem lại hòa bình cho bán đảo Triều Tiên" - ông nói.
Ông Moon cũng nói sẽ "đàm phán nghiêm túc" với Mỹ và Trung Quốc về việc triển khai Hệ thống Phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD).
Ông Moon Jae-in và vợ đến trụ sở quốc hội dự lễ tuyên thệ nhậm chức. Ảnh: EPA
Cách đây 1 thập kỷ, ông Moon – lúc đó còn là một quan chức cấp cao của Hàn Quốc – đã ủng hộ "Chính sách Ánh Dương", trong đó phát triển các kênh đối thoại với Triều Tiên, đồng thời vẫn gây áp lực và duy trì các biện pháp trừng phạt của Seoul đối với Bình Nhưỡng.
Cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush phàn nàn chính sách này của Hàn Quốc cho thấy họ đang "yếu bóng vía", góp phần "mở đường cho Triều Tiên trở thành một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân".
Hôm 9-5, ông Moon giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sớm, trở thành tổng thống thứ 19 của Hàn Quốc. Đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt đầu nhận ra "Chính sách Ánh Dương 2.0" mà ông Moon có thể thực hiện sẽ mâu thuẫn trực tiếp với đường lối giải quyết căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên của mình.
Chiến lược của ông Trump là gây áp lực tối đa lên nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, triển khai các biện pháp phòng thủ tên lửa mới và điều chiến hạm tới ngoài khơi bờ biển Triều Tiên…
Ngoại trưởng Mỹ Rex W. Tillerson đã trình bày chiến lược này với các quan chức bộ ngoại giao hồi tuần trước. Theo ông Tillerson, bước tiếp theo là gây sức ép lên cộng đồng quốc tế để họ thực hiện đầy đủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ) về lệnh trừng phạt đối với Bình Nhưỡng.
Ông Moon tuyên thệ ngay sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống ngày 9-5. Ảnh: EPA
Trong khi đó, chính sách của ông Moon hoàn toàn trái ngược: mở rộng vòng tay đón người Triều Tiên nhằm làm giảm căng thẳng giữa hai bên và tiến tới hội nhập kinh tế. Ông Moon tin "Chính sách Ánh Dương" là cách duy nhất để tránh xảy ra một cuộc xung đột mới giữa hai miền Nam Bắc Triều Tiên.
Tạp chí Foreign Affairs hôm 8-5 dẫn lời học giả về Triều Tiên Duyeon Kim cho rằng mới nhìn qua, đây là những quan điểm hoàn toàn khác nhau về cách đối phó của Mỹ và Hàn Quốc đối với Triều Tiên. Những gì mà người dân Hàn Quốc lo ngại, theo bà Kim, đó là Tổng thống Trump đe dọa sử dụng hành động quân sự đối phó Bình Nhưỡng, có thể làm bùng phát cuộc chiến 1950-1953 đang trong giai đoạn hòa hoãn.
Nhà lãnh đạo Mỹ trước đó cũng yêu cầu Hàn Quốc trả tiền cho Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) trị giá 1 tỉ USD khiến người dân xứ kim chi không hài lòng. Cho đến nay, ông Moon vẫn chưa đả động tới vấn đề Mỹ triển khai THAAD tại Hàn Quốc, có vẻ ông đang linh hoạt chờ đợi những diễn biến kế tiếp.
Bà Katharine Moon, GS khoa học chính trị tại trường ĐH Wellesley, bang Massachusetts, bình luận: "Ông Moon Jae-in đã nói rằng ông muốn Hàn Quốc đi theo một con đường độc lập hơn nhưng điều đó không có nghĩa là Hàn Quốc sẽ từ bỏ liên minh".
Tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Ảnh: AP
Quan điểm không nhất quán của Ngoại trưởng Tillerson và Tổng thống Trump về Triều Tiên cũng phần nào làm các đồng minh như Hàn Quốc và Nhật Bản lo ngại.
Trong chuyến thăm Seoul gần đây, ông Tillerson nhấn mạnh Bình Nhưỡng phải dỡ bỏ toàn bộ các kho vũ khí của mình trước khi tiến hành đàm phán. Tại LHQ, ông Tillerson lại nói khác: yêu cầu Triều Tiên giải trừ quân bị để mở đường cho các cuộc thảo luận.
Sau đó, tới lượt Tổng thống Trump bày tỏ "sự vinh dự" nếu được gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nếu "điều kiện phù hợp".
Ông Trump dự kiến sẽ thăm châu Á trong năm nay nhưng Nhà Trắng vẫn chưa thông báo ông có tới thăm Seoul hay không.
Bình luận (0)