Ngày 17-12, tại tòa nhà Nghị viện Ấn Độ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có cuộc gặp với Phó Tổng thống kiêm Chủ tịch Thượng viện Ấn Độ Venkaiah Naidu.
Tại cuộc gặp, hai bên nhất trí tổ chức các hoạt động có ý nghĩa, thiết thực kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao trong năm 2022. Hai bên cũng nhất trí tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp hai nước xuất khẩu hàng hóa có thế mạnh của nhau.
Hai bên khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không tại biển Đông - tuyến hàng hải huyết mạch của thế giới, ủng hộ đối thoại và giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.
Cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ S. Jaishankar. Chủ tịch Quốc hội khẳng định Việt Nam luôn coi trọng quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Ấn Độ, hoan nghênh Ấn Độ coi Việt Nam là ưu tiên trong chính sách hành động hướng Đông của mình.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, ngày 17-12, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Ấn Độ do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam và Liên đoàn Công nghiệp Ấn Độ tổ chức.
Tham dự diễn đàn có một số lãnh đạo và khoảng 150 doanh nghiệp với hơn 200 doanh nhân Ấn Độ, bao gồm các tập đoàn lớn như ONGC, Essar, Hinduja, Bharat Biotech, Adani, Trivitron, Biocon, HCL, Indian Oil…
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Ấn Độ ngày 17-12. Ảnh: TTXVN
Phát biểu tại diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đã tăng trưởng bình quân 20% mỗi năm và dự kiến đạt 13 tỉ USD vào năm nay bất chấp tác động của đại dịch Covid-19.
Đây là cơ sở để hai nước sớm đạt mục tiêu 15 tỉ USD trong thời gian tới. "Tôi hy vọng quan hệ đầu tư giữa hai nước sẽ bùng nổ như trong lĩnh vực thương mại mà hai bên đã đạt được" - Chủ tịch Quốc hội nói.
Theo Chủ tịch Quốc hội, các doanh nghiệp Ấn Độ đầu tư vào Việt Nam tức là đầu tư vào thị trường 100 triệu dân với dân số trẻ và có điều kiện tiếp cận thị trường rộng lớn của ASEAN với quy mô kinh tế đứng thứ 6 thế giới và 650 triệu dân, chưa kể thị trường rộng lớn trên thế giới do Việt Nam đã ký 17 hiệp định thương mại tự do.
Chủ tịch Quốc hội gợi mở một lĩnh vực rất quan trọng hai nước có thể hợp tác là công nghiệp dược phẩm, chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin và Việt Nam hoàn toàn có điều kiện trở thành một trung tâm vắc-xin cho khu vực Đông Nam Á và Đông Á. Ngoài ra, doanh nghiệp Ấn Độ có thể tham gia đầu tư vào kết cấu hạ tầng, công nghiệp chế biến, chế tạo về lĩnh vực nông nghiệp…
Trong khi đó, Thượng nghị sĩ, cựu Bộ trưởng Công Thương Suresh Prabhu và Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp Chandrajit Banerjee nhấn mạnh hai nước có thể tăng cường hợp tác trong rất nhiều lĩnh vực như giáo dục - đào tạo, công nghiệp chế biến, vận chuyển, logistics, năng lượng tái tạo…
Tại diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chứng kiến lễ trao 12 thỏa thuận hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Ấn Độ trong các lĩnh vực y tế, hợp tác sản xuất thuốc và vắc-xin, cung cấp nguyên liệu dược phẩm, dầu khí, công nghệ thông tin, giáo dục và du lịch…, trong đó có 3 dự án có tổng mức đầu tư lên tới 800 triệu USD.
Ngay sau diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp tỉ phú Prashant Ruia, Chủ tịch Tập đoàn Essar và Giám đốc điều hành Tập đoàn Dầu khí quốc gia Ấn Độ AK Gupta. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh Việt Nam hoan nghênh và tạo điều kiện cho các công ty của Ấn Độ tiếp tục hiện diện lâu dài và mở rộng đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
"Tới đây, quốc hội Việt Nam sẽ xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Dầu khí để tạo môi trường pháp lý thuận lợi hơn cho sự phát triển của ngành này" - Chủ tịch Quốc hội nói.
Bình luận (0)