Chỉ số cổ phiếu FTSE 100 giảm khoảng 3%, trong khi các thị trường chính ở Đức và Pháp lần lượt giảm 2,8 và 2,4%.
Trước đó, đồng bảng Anh giảm hơn 1% so với đồng euro và giảm 1,6% so với đồng USD.
Hạn chế đi lại ảnh hưởng đến cổ phiếu hàng không, với IAG chủ sở hữu của British Airways và EasyJet lần lượt giảm 8% và 7,2%.
Hãng sản xuất động cơ máy bay Rolls-Royce cũng bị ảnh hưởng, cổ phiếu giảm hơn 3%.
Craig Erlam – nhà phân tích của Công ty Giao dịch Ngoại hối Oanda (Mỹ) cho rằng các nhà đầu tư lo ngại hơn với chủng Covid-19 mới. Ảnh: Reuters
Theo đài BBC, hệ lụy nhân rộng trên các thị trường khác ở châu Âu. Cổ phiếu của Air France-KLM giảm 4%, trong khi cổ phiếu hãng sản xuất máy bay Airbus giảm hơn 3%.
Virus corona biến hình khiến nhà đầu tư Anh biến sắc
Kazuhiko Saito, nhà phân tích trưởng của công ty môi giới hàng hóa Fujitomi, cho biết: "Kỳ vọng màu hồng của các nhà đầu tư vào năm 2021 đã đột ngột tan biến".
Cũng như mối quan ngại mới về các ca Covid-19 ở Anh, các nhà đầu tư đã phản ứng trước việc bị trễ hạn chót trong các cuộc đàm phán thương mại của Anh với Liên minh châu Âu (EU).
London và Brussels đang cố gắng đạt được một thỏa thuận thương mại trước khi giai đoạn chuyển tiếp Brexit kết thúc vào ngày 31-12. Các cuộc đàm phán được lên lịch tiếp tục trong ngày 21-12 giữa các nhà đàm phán hai phía.
Các cuộc đàm phán bị đình trệ một phần làm đồng bảng Anh dao động trong những tuần gần đây. Sự lạc quan rằng sẽ đạt một thỏa thuận khiến đồng bảng Anh vững giá được bốn ngày và đổi được gần 1,36 USD trước khi lại bị mất giá một lần nữa.
Hôm 21-12, đồng bảng Anh giảm xuống còn 1,32 USD, đồng USD cũng được phục hồi sau khi nhất trí được kế hoạch trị giá 900 tỉ USD giúp nền kinh tế Mỹ vượt qua dịch Covid-19.
Theo Craig Erlam – nhà phân tích của Công ty Giao dịch Ngoại hối Oanda (Mỹ), "Mỹ đã thông qua gói kích thích kinh tế nhưng có vẻ như các nhà đầu tư lo ngại hơn với chủng Covid-19 mới". Trong khi đó, chiến lược gia tiền tệ cấp cao của Ngân hàng Quốc gia Úc, Rodrigo Catril, nói với Reuters: "Tin tức về việc phong tỏa xã hội và bế tắc về Brexit đang khiến thị trường lo lắng".
Cảnh sát và nhân viên an ninh ngăn chặn ô tô và xe tải vào cảng Dover sau khi Pháp đóng cửa biên giới trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Ảnh: The Guardian
Các quốc gia châu Âu đã áp đặt lệnh cấm đi lại từ Vương quốc Anh sau khi nước này thông báo xuất hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có khả năng lây nhiễm cao hơn và mất kiểm soát vào cuối tuần qua. Hiện tại, hơn 40 quốc gia đã cấm du khách đến từ Vương quốc Anh trong nỗ lực ngăn chặn một biến thể lây lan mới.
Các cố vấn khoa học của chính phủ Anh cảnh báo rằng việc không hành động có thể khiến hàng chục ngàn sinh mạng bị thiệt hại và có nguy cơ xảy ra "thảm họa kinh tế, con người và xã hội" khi biến thể vi rút mới xuất hiện.
Phát biểu tại một cuộc họp báo ở phố Downing ngày 21-12, Thủ tướng Anh Boris Johnson trấn an các nhà lãnh đạo thế giới khác rằng Anh đã phản ứng nhanh chóng. Ông Boris Johnson cho biết đã gửi tất cả các thông tin cần thiết về chủng vi rút biến thể mới cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Sau khi Anh tuyên bố phong tỏa London và một số vùng ở England, Xứ Wales, Hà Lan cho biết sẽ cấm toàn bộ các chuyến bay chở khách từ Anh tới, từ nay cho tới ngày 1-1.
Bình luận (0)