Báo The Wall Street Journal hôm 25-1 cho biết máy bay, chở được khoảng 230 người, sẽ đưa các nhà ngoại giao từ lãnh sự quán Mỹ cũng như công dân nước này và gia đình họ trở về nước.
Không lâu sau đó cùng ngày, Bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận đã ra lệnh cho toàn bộ nhân viên ngoại giao Mỹ tại lãnh sự quán ở Vũ Hán về nước. Trên chuyến bay đưa họ về có đội ngũ y tế kiểm tra.
Một số báo cáo khác cho biết Pháp, Nga và nhiều nước khác đang lên kế hoạch sơ tán công dân khỏi Vũ Hán giống như Mỹ, theo đài BBC.
Động thái trên diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đang triển khai 1.230 bác sĩ và y tá để giúp chống lại virus corona trong khi các công ty tư nhân đề nghị đóng góp tiền bạc và vật tư.
Vũ Hán gấp rút xây dựng bệnh viện 1.000 giường trong 6 ngày
Hôm 25-1, báo South China Morning Post (SCMP) dẫn lời Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) cho biết 6 nhóm nhân viên y tế bao gồm 1.230 bác sĩ và y tá đã được thành lập để giúp chống lại virus gây chết người ở tỉnh Hồ Bắc.
Ba đơn vị y tế đến từ Thượng Hải, Quảng Đông và các lực lượng vũ trang Trung Quốc. Trong đó, nhóm đến từ Quảng Đông gồm 42 bác sĩ và 93 y tá. Một nhóm khác gồm 135 bác sĩ từ Trùng Khánh đã đến Vũ Hán từ tối 24-1.
Hành khách đeo khẩu trang khi xuống sân bay O'Hare (Mỹ) hôm 24-1. Ảnh: Reuters
Một nhóm nhân viên và cựu nhân viên y tế của Trường ĐH Y khoa miền Nam – trước đây giúp giải quyết dịch SARS – cũng ký một bản kiến nghị, tuyên bố họ sẵn sàng đến Vũ Hán để "trợ chiến".
Bác sĩ Chen Dechang – làm việc cho bệnh viện Ruijin ở Thượng Hải – nói rằng điều quan trọng bây giờ là cử thêm nhân viên y tế đến vùng dịch. "Chúng tôi có thể giúp cứu nhiều bệnh nhân hơn nếu chúng tôi ở tuyến đầu" – ông Chen cho hay.
Nhà chức trách ở Thượng Hải còn gửi 81 máy hỗ trợ sự sống ECMO đến bệnh viện Jinyintan, một trong những cơ sở được chỉ định điều trị bệnh nhân ở Vũ Hán.
Kỹ thuật ECMO - bao gồm loại bỏ máu khỏi cơ thể, loại bỏ CO2 và oxy hóa tế bào hồng cầu trước khi bơm lại cho bệnh nhân – từng được sử dụng trên một người bị mắc "virus Vũ Hán" tại bệnh viện Zhongnan. Tuy nhiên, chưa rõ hiệu quả của phương pháp điều trị này.
Trung Quốc đang triển khai 1.230 bác sĩ và y tá để giúp chống lại virus corona. Ảnh: Reuters
Theo báo cáo phương tiện truyền thông Trung Quốc, một số công ty và tổ chức muốn quyên góp tiền bạc và vật tư để hỗ trợ chính phủ. Trong đó, Shanghai Ocean Forest Assets quyên góp 10 triệu nhân dân tệ (1,4 triệu USD), Jinglin Assets giúp mua vật tư y tế cần thiết, khẩn cấp từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Fantasia Holdings tài trợ 6 triệu nhân dân tệ (865.000 USD) và gửi vật tư y tế…
Riêng gã khổng lồ Tencent đóng góp 300 triệu nhân dân tệ (hơn 43 triệu USD) và nhà sản xuất điện thoại thông minh Xiaomi gửi lô thiết bị y tế - mặt nạ và nhiệt kế trị giá hơn 300.000 nhân dân tệ (hơn 43.000 USD), trong khi Công ty công nghệ Lenovo hứa tặng thiết bị CNTT cho bệnh viện sắp xây dựng.
Cùng ngày 25-1, tờ Nhân dân Nhật báo đưa tin một bệnh viện chuyên dụng thứ hai để điều trị cho bệnh nhân nhiễm "virus Vũ Hán" đang được khởi công. Bệnh viện được thiết kế với 1.300 giường, dự kiến hoàn thành trong nửa tháng.
Bình luận (0)