Chính quyền Vũ Hán ngày 25-1 cho biết thành phố đang chứng kiến số lượng người bị sốt gia tăng và các bệnh viện đã hết giường. Báo New York Times kể trường hợp ông Tiêu Thế Binh (51 tuổi) bị sốt 15 ngày, và có triệu chứng khó thở. Khi ông đến bệnh viện, các nhân viên cho biết không có đủ bộ thiết bị xét nghiệm virus.
Con gái của ông là Tiêu Hồng Hạ nói rằng bệnh viện nói ông bị viêm ở vùng ngực, yêu cầu ông về nhà. Gia đình ông Tiêu tiếp tục tới các bệnh viện khác nhưng đã bị ít nhất ba nơi từ chối khám vì thiếu giường bệnh. Vợ ông Tiêu cám cảnh: "Chúng tôi như quả bóng bị chuyền từ nơi này sang nơi khác".
Người dân xếp hàng để được điều trị tại khoa ngoại trú của bệnh viện Vũ Hán. Ảnh: REUTERS
Một trường hợp khác, Thái Bồi (41 tuổi) nói rằng vợ ông bắt đầu ho và sốt 3 ngày trước. Chia sẻ trên mạng Weibo, ông cũng than bệnh viện từ chối nhận vợ ông và vất vả mới tìm được khẩu trang, thuốc cảm lạnh trong tiệm thuốc. Gia đình vẫn không biết người vợ có bị nhiễm virus corona hay không hay chỉ là ốm thông thường.
Ông Thái nói: "Có những lúc tôi chỉ biết khóc nhưng tôi không thể nói với vợ, phải an ủi là không bị nhiễm virus đâu. Sợ lắm. Nếu là thật, chúng tôi còn con nhỏ và cha mẹ gia ở nhà. Nếu chúng tôi bị nhiễm hết thì thế nào?"
Hàng dài người dân chờ được khám bệnh. Ảnh: WEIBO
Một số video trên Weibo, được cho là quay bên trong bệnh viện ở Vũ Hán, cho thấy cảnh tượng hỗn loạn và bức xúc. Một video từ trong Bệnh viện Nhân dân Hán Khẩu cho thấy bệnh nhân xếp hàng dài, đeo khẩu trang.
Người quay video nói chỉ có bốn bác sĩ trực và một số người đã đợi vài giờ để được điều trị. "Một biển người và nhiều người bị sốt cao" – người quay video nói. Một video khác cho thấy bệnh nhân nằm trên sàn nhà và đã ngất đi. Hành lang nêm chặt bệnh nhân, ai nấy đều đeo khẩu trang.
Y tá chăm sóc bệnh nhân ngoài hành lang. Ảnh: WEIBO
Một số video ở Vũ Hán cho thấy các kệ hàng trống trơn vì người dân đi mua đồ về dự trữ, các chốt chặn được dựng lên ở khắp thành phố. Nhiều cơ sở y tế ở Vũ Hán kêu gọi quyên góp khẩu trang phẫu thuật, quần áo dùng một lần, kính bảo hộ và găng tay.
Theo đài truyền hình quốc gia CCTV, bộ chỉ huy quân sự trung ương đã ra lệnh cho lực lượng quân y tới hỗ trợ các bác sĩ và y tá dân sự. Các nhân viên y tế đã vật lộn để chống lại dịch bệnh, không nghỉ ngơi trong đêm giao thừa.
Cháo, quà bánh được gởi đến Bệnh viện Đại học Nhân dân Hồ Bắc mấy ngày qua. Ảnh: WEIBO
Bác sĩ nói rằng họ cảm kích hành động này nhưng thật lòng không khuyến khích. Ảnh: WEIBO
Có người lặng lẽ đem bánh quy, cháo, bánh bao… và lời chia buồn đến Bệnh viện Đại học Nhân dân Hồ Bắc. Theo CCTV, những người này còn dặn kỹ người giao hàng rằng khi gởi đến nhân viên bệnh viện, cháo phải được để mở để tránh tích tụ hơi nước. Một bác sĩ nói rằng họ cảm kích hành động này nhưng thật lòng không khuyến khích vì phần nào cản trở mọi người làm việc. Hơn nữa, càng nhiều người càng tăng nguy cơ nhiễm trùng.
Các phương tiện truyền thông Trung Quốc đưa tin nhiều người tình nguyện giúp nhân viên y tế, bớt phần nào áp lực cho họ. Các bác sĩ trẻ nhận thêm ca, tiếp nhận thêm nhiều trường hợp từ những đồng nghiệp có con nhỏ. Hội Chữ thập đỏ địa phương túc trực điện thoại và sẵn sàng trực chiến khi bệnh viện cần.
Trước tình hình căng thẳng hiện tại, Bộ Tài chính phân bổ khẩn cấp khoảng 144 triệu USD cho công tác phòng chống dịch bệnh.
Bác sĩ đầu tiên tử vong
Ông Liang Wudong, bác sĩ tại bệnh viện Hubei Xinhua của tỉnh Hồ Bắc, trở thành bác sĩ đầu tiên tử vong vì virus corona mới. Vị bác sĩ 62 tuổi đã làm việc ở tuyến đầu trong cuộc chiến chống dịch viêm phổi cấp ở TP Vũ Hán.
Phía Trung Quốc cho biết có 15 nhân viên y tế lây bệnh nhưng con số thực tế có thể cao hơn nhiều.
Bình luận (0)