Chiều 23-7, ông Inpon Sivatan, 55 tuổi, đang ở nhà thì trưởng bản đến gõ cửa và cảnh báo rằng khu vực này sắp xảy ra ngập lụt.
"Nước chảy đến rất nhanh. Dòng nước băng qua bản. Tôi đã sống ở đây 32 năm nhưng chưa bao giờ thấy bất cứ điều gì tương tự. Tôi bị mất tất cả: heo, cây trồng. Nhà của tôi bị hủy hoại. Không có đủ thời gian để thoát ra ngoài" - ông Inpon vừa dọn dẹp tàn dư ngôi nhà của mình ở bản Khokong vừa nói với phóng viên.
Trong lúc dọn dẹp, ông Inpon nhìn thấy một gia đình trẻ đang đi sơ tán. "Tôi nghe nói một số người đã thiệt mạng song chưa nhìn thấy thi thể nào. Tôi vẫn ở lại ngôi nhà của mình" - ông Inpon cho biết.
Một gia đình người Lào di chuyển giữa dòng nước lũ. Ảnh: Reuters
Theo một quan chức y tế địa phương, người dân nhận được cảnh báo khoảng 3-4 giờ trước khi đập bị vỡ. Tuy nhiên, hầu hết đều xem điều đó không nghiêm trọng cũng như không nghĩ mực nước dâng nhanh đến như vậy.
Công ty Điện lực Xepian-Xe Nam Noy nói rằng họ đã cảnh báo 1 trong các đập phụ không an toàn và sắp tràn nước, đồng thời yêu cầu chính quyền thông báo tới các ngôi làng ở phía hạ lưu.
Thiệt hại cụ thể ở tỉnh Attapeu chưa được thống kê đầy đủ. Trong khi đó, tại bản Khokong, gần như toàn bộ đều bị bao phủ bởi bùn và nước.
Ảnh: Reuters
Báo cáo ban đầu cho thấy số người chết do vỡ đập có thể lên đến hàng trăm nạn nhân. Hôm 25-7, báo Vientiane Times đưa tin khoảng 3.000 người vẫn đang chờ cứu hộ, bao gồm nhiều người mắc kẹt trên cây và mái nhà. Trong khi đó, truyền thông cho biết 27 người được xác nhận đã thiệt mạng và 131 người mất tích.
Tại bệnh viện chính ở tỉnh Attapeau, những người bị thương đang được điều trị. Anh La và vợ Aun chia sẻ 2 cô con gái của họ đã bị nước cuốn trôi.
"Khi tôi đưa con gái và vợ lên thuyền, nước chảy xiết và tôi không thể giữ được nó. Chiếc thuyền bị lật và con gái tôi rơi xuống nước" – anh La kể.
Trong lúc tuyệt vọng tìm đứa trẻ 1 tuổi, cô con gái 4 tuổi của họ cũng bị nước cuốn trôi. "Chúng tôi cố gắng tìm nhưng không tìm thấy. Tất cả xảy ra ngay trước mắt tôi. Tôi thực sự bị sốc. Tôi không biết phải đổ lỗi cho ai. Tôi chỉ nhớ những đứa con của mình" – người cha cho biết thêm.
Một bé gái ở trên tấm nệm phủ đầy bùn. Ảnh: Reuters
Quân đội Lào và người dân đang phối hợp đưa hàng cứu trợ - gồm mì ăn liền và nước uống – tới các khu vực bị cô lập. Ngoài ra, Trung Quốc gửi đội y tế tham gia cứu hộ cộng thêm lực lượng đến từ Thái Lan.
Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Khai thác mỏ Lào, Khammany Inthirath, cho biết các nhà phát triển của dự án thủy điện sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường hoàn toàn thiệt hại.
Campuchia sơ tán dân thường
Ước tính khoảng 25.000 người đang được sơ tán khỏi tỉnh Stung Treng, phía Bắc Campuchia sau vụ vỡ đập phụ của dự án thủy điện Xepian-Xe Nam Noy gây ra tình trạng ngập lụt. Mực nước sông ngòi ở nhiều thị trấn và làng mạc ở hạ nguồn thuộc tỉnh Stung Treng đã dâng cao trên 12 m và không có dấu hiệu rút xuống tính đến ngày 26-7.
Bình luận (0)