Mối quan hệ thương mại Mỹ - Canada đã "xuống dốc không phanh" sau khi Bộ Thương mại Mỹ hôm 26-9 thông báo áp thuế nhập khẩu 219% đối với loại máy bay phản lực CSeries của hãng Bombardier (Canada).
Dư luận bất ngờ trước sự kiện này bởi Mỹ và Canada là những đồng minh và đối tác thương mại thân cận bậc nhất thế giới, với kim ngạch trao đổi hàng hóa hằng năm lên đến hơn 500 tỉ USD. Động thái trên của phía Mỹ được đưa ra sau một cuộc điều tra liên quan đến khiếu nại của hãng Boeing (Mỹ).
Sau khi Bombardier giành được hợp đồng cung cấp 125 chiếc CSeries cho Hãng hàng không Delta (Mỹ) hồi tháng 4-2016, Boeing "tố" chính phủ Canada và Anh đã tài trợ cho Bombardier, giúp hãng này có ưu thế cạnh tranh không công bằng. Giá trị niêm yết của số máy bay trên vào khoảng 6 tỉ USD song con số thực sự không được công khai và Boeing cho rằng Bombardier chào giá thấp hơn nhiều.
Hãng Bombardier, các nghiệp đoàn hàng không Canada và cả chính phủ Canada lẫn chính quyền tỉnh bang Quebec đồng loạt chỉ trích thuế suất nêu trên là "vô lý", "lố bịch", "mất trí" và là toan tính "bóp chết cạnh tranh". Họ cảnh báo thuế suất trên - dự kiến áp dụng năm 2018 khi hãng Delta nhận được chiếc máy bay CSeries đặt mua đầu tiên - sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến việc tái thương lượng Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) và cũng kêu gọi áp đặt các biện pháp trả đũa.
"Chúng tôi thất vọng trước quyết định đó và tôi sẽ tiếp tục đấu tranh quyết liệt vì công ăn việc làm cho người dân Canada" - Thủ tướng Canada Justin Trudeau khẳng định, đồng thời mô tả thuế suất của Mỹ mang tính "bảo hộ thương mại và thiếu chứng cứ xác đáng". Gọi đây là một "cuộc tấn công" nhằm vào Canada và Quebec, Thủ hiến Quebec Philippe Couillard đe dọa "Boeing sẽ phải hối tiếc về việc này" và "nền kinh tế Mỹ và công nhân Mỹ sẽ gánh chịu hậu quả". Theo kênh FOX Business, chính quyền Quebec góp vốn gần 1 tỉ USD vào việc sản xuất máy bay phản lực CSeries.
Bộ trưởng Ngoại giao Canada Chrystia Feeland nhận định động thái này nhằm loại bỏ máy bay CSeries của Bombardier khỏi thị trường Mỹ. Bà Freeland cũng khuyến cáo đơn kiện của Boeing có nguy cơ gây mất việc làm đối với 23.000 nhân công người Mỹ đang làm việc tại các nhà cung cấp những bộ phận máy bay CSeries ở Mỹ.
Cùng với Canada, Anh cũng nhanh chóng lên tiếng bởi 4.200 công nhân ở Bắc Ireland đang tham gia quá trình chế tạo CSeries. Thủ tướng Anh Theresa May đe dọa sẽ chiến tranh thương mại với Mỹ. Theo báo The Telegraph, bà May trực tiếp yêu cầu Tổng thống Mỹ Donald Trump can thiệp vào cuộc tranh chấp trên.
Chính phủ Anh cảnh báo hành vi khiếu nại của hãng Boeing có thể "ảnh hưởng xấu" đến các hợp đồng trong tương lai với Bộ Quốc phòng nước này. Gã khổng lồ của Mỹ đang hy vọng bán 18 chiếc chiến đấu cơ Super Hornet cho Canada và 50 chiếc trực thăng Apache cho Anh.
Phớt lờ những đe dọa tẩy chay, Boeing nhanh chóng tuyên bố chiến thắng hôm 27-9 (giờ địa phương): "Các khoản trợ cấp giúp Bombardier trút sản phẩm của họ vào thị trường Mỹ, làm hại các nhân công ngành hàng không Mỹ lẫn của dây chuyền Boeing trên toàn thế giới". Đáp lại, Bombardier cáo buộc Boeing dùng chiêu trò để kìm hãm cạnh tranh.
Bình luận (0)