Những trường hợp học sinh bỏ ngoài tai lời khuyên của thủy thủ đoàn, tự xoay xở tìm cách thoát thân lại sống sót khi tàu Sewol chìm xuống làn nước biển sáng 16-4. Ngược lại, những học sinh nghe theo thông báo “không di chuyển” phải đánh đổi bằng mạng sống của mình.
Nghe hay không nghe
Theo tờ Korea Joongang Daily, các học sinh sống sót là những em đã lẻn lên tầng trên cùng để hút thuốc lá. Trong đoạn băng ghi hình do những người sống sót quay và được giới truyền thông đăng tải, đa số học sinh ngồi im trong phòng, ngay cả khi tàu trong tình trạng rất nguy cấp.
Ở một số đoạn phim có thể nghe thấy lệnh của thủy thủ đoàn yêu cầu hành khách ngồi im, không cố gắng tháo chạy.
Người thân ngồi gục đầu chờ tin ở cảng Paengmok, đảo Jindo. Ảnh: YONHAP
Lúc xem những clip như thế, nhiều người lắc đầu tiếc nuối và đau buồn nhưng cũng có nhận xét rằng học sinh có thể không bình tĩnh như thế nếu không có mệnh lệnh từ thủy thủ đoàn.
“Tình hình sẽ khác nếu hành khách là người lớn. Số lượng nạn nhân tăng mạnh vì nhiều hành khách là học sinh, vốn luôn nghe theo hướng dẫn cũng như chỉ bảo của người lớn” - ông Shin Kwang-young, giáo sư xã hội học tại Trường ĐH Chung-ang, lý giải phần nào về tính kỷ luật của học sinh Hàn Quốc.
“Những đứa không làm theo thông báo và tự quyết thì sống, còn những đứa răm rắp nghe theo lại thiệt mạng hoặc mất tích. Khi tôi nói chuyện với các phụ huynh khác ở trường, chúng tôi nhận thấy lẽ ra phải dạy con cái không nên tin tưởng người lạ và cả giáo viên” - một người mẹ 42 tuổi chua chát.
Một bà mẹ 32 tuổi khác băn khoăn: “Làm thế nào trẻ con có thể đặt trọn tin tưởng vào người lớn khi chúng nghe rằng thuyền trưởng và thủy thủ đoàn của tàu Sewol bỏ chạy sau khi bảo các em ngồi im? Tôi không chắc liệu mình có nên dạy cho con nghe người lớn trong trường hợp khẩn cấp hay không. Hoặc chỉ cần bảo chúng tìm cách thoát thân sớm nhất có thể”.
Khác biệt văn hóa
Theo một số nhà phân tích, các bài học từ thảm kịch Sewol không hàm ý khuyên tất cả mọi người nên hành động theo ý mình. “Ở các nước tiên tiến, những bước cơ bản trong tình huống khẩn cấp đều là tuân theo lệnh từ các nhà lãnh đạo. Dĩ nhiên, cần phải có sự đào tạo bài bản để lãnh đạo không đưa ra quyết định sai lầm” - ông Lee Won-ho, giáo sư kỹ thuật xây dựng thuộc Trường ĐH Kwangwoon, nói.
Ngay sau thảm kịch, một ông bố ở Mỹ chia sẻ với báo Dallas Morning News rằng nếu đó là một chiếc tàu chở học sinh Mỹ, “chúng sẽ tìm mọi cách - bất kỳ cách nào - để thoát khỏi con tàu gặp nạn. Tuy nhiên, trong các nền văn hóa châu Á, lợi ích, yêu cầu của nhóm được đặt cao hơn nhu cầu cá nhân nên việc phục tùng là điều bắt buộc. Đáng tiếc là kết cục của sự vâng lời trong thảm kịch này lại là cái chết”.
Korea Joongang Daily cho rằng các hoạt động cứu hộ cần phải tiếp tục bởi phép mầu có thể xảy ra. Song song đó, nhà chức trách cũng nên dành nhiều quan tâm cho những nạn nhân sống sót do họ có thể bị bào mòn bởi cảm giác tội lỗi của người thoát chết.
Số người chết đã tăng lên 139
Tính đến sáng 23-4, số người chết trong vụ chìm tàu Sewol tăng lên 139. Cảnh sát đã bắt giữ thêm 2 thủy thủ tàu Sewol và công tố viên bắt đầu điều tra chủ sở hữu tàu Sewol vì nghi ngờ kinh doanh ngoại hối trái phép, trốn thuế. Đến nay, tổng cộng có 9 thành viên thủy thủ đoàn bị bắt.
Cùng ngày, theo hãng tin Reuters, cuộc gọi báo nguy đầu tiên từ tàu Sewol là của một cậu bé có giọng run run tới sở cứu hỏa lúc 8 giờ 52 phút ngày 16-4, 3 phút sau khi tàu có cú rẽ định mệnh. Bộ Đại dương và Thủy sản Hàn Quốc cho biết tàu Sewol đã bẻ cua dần dần theo hình chữ J trước khi gặp nạn, bác bỏ kết luận điều tra trước đó cho rằng tàu rẽ phải 90 độ. Ngoài ra, cơ quan trên cũng dẫn lời các chuyên gia cho biết tàu mất điện 36 giây trước khi chìm nhưng chưa biết nguyên nhân.
Trong một diễn biến khác, ông Song Yong-chur, Giám đốc Cơ quan Phát triển chính sách khu vực thuộc Bộ An sinh công cộng, đã từ chức sau khi bị chỉ trích vì chụp một bức ảnh kỷ niệm gần nơi thân nhân các hành khách mất tích đang chờ tin tại Jindo, hòn đảo gần hiện trường tai nạn.
Bình luận (0)