Vào tuần rồi, đã xuất hiện phỏng đoán Triều Tiên có thể phóng tên lửa nhân ngày thành lập nước (9-9). Nếu diễn ra, vụ phóng có thể được xem là hành động phô trương sức mạnh vào thời điểm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên leo thang.
Nỗi lo bị lật đổ
Rốt cuộc vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên diễn ra ngày 15-9, tức 4 ngày sau khi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc thông qua nghị quyết trừng phạt cứng rắn nhất nhằm vào nước này. Vì thế, có thể xem đây là hành động thể hiện sự thách thức của Bình Nhưỡng trước sức ép ngày càng tăng của cộng đồng quốc tế.
Cho dù mục đích của từng hành động khiêu khích có là gì, điều người ta quan tâm là nội dung thông điệp mà chính quyền nhà lãnh đạo Kim Jong-un muốn gửi đi thông qua một loạt vụ phóng tên lửa và lần thử hạt nhân thứ 6 mới đây.
Theo đài Sky News, Bình Nhưỡng muốn nói với thế giới rằng họ đang nỗ lực phát triển vũ khí hạt nhân có thể vươn đến lục địa Mỹ và tham vọng này đang tiến gần hiện thực. Đây là một phần chính sách chủ đạo của ông Kim Jong-un - có tên là "Byungjin", theo đó kêu gọi phát triển đồng thời vũ khí hạt nhân và kinh tế.
Một điều dễ thấy khác qua vụ phóng tên lửa mới nhất là bất chấp sự lên án và các biện pháp trừng phạt của cộng đồng quốc tế, Triều Tiên sẽ không tình nguyện từ bỏ chương trình hạt nhân hoặc tên lửa. Ngoài ra, chắc chắn sẽ có thêm nhiều hành động khiêu khích tương tự trong thời gian tới.
Một màn hình lớn ngoài trời ở thủ đô Tokyo - Nhật Bản hiển thị tin tức về vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên hôm 15-9 Ảnh: EPA
Điều ít rõ ràng hơn là động cơ của Bình Nhưỡng trong việc theo đuổi vũ khí hạt nhân. Lập luận được giới chức nước này đưa ra là những quốc gia nào không có loại vũ khí này đều có nguy cơ bị lật đổ. Họ nêu ví dụ là số phận của 2 nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi (ở Libya) và Saddam Hussein (ở Iraq).
Vì thế, vũ khí hạt nhân - cộng với khả năng đe dọa trực tiếp Mỹ - được xem là cần thiết để bảo đảm sự sống còn của chính phủ Triều Tiên vốn lâu nay vẫn cáo buộc Washington theo đuổi chính sách thù địch nhằm vào mình.
Cải cách kinh tế
Ngoài sức mạnh tên lửa, hạt nhân mà Triều Tiên không ngần ngại khoe với thế giới, Bình Nhưỡng được cho là còn sở hữu thứ vũ khí bí mật: Kinh tế cải thiện mạnh mẽ hơn những gì được biết. Theo trang Bloomberg, Triều Tiên dù còn là quốc gia nghèo nhưng đang có những kết quả ấn tượng về kinh tế - GDP năm 2016 ước tính tăng 3,9% (cao nhất trong 17 năm), lên mức 28,5 tỉ USD trong lúc tiền lương cũng tăng nhanh.
Sự tăng trưởng này phần nào nhờ hoạt động giao thương tiếp diễn với Trung Quốc, quốc gia vẫn tỏ ra miễn cưỡng trong việc siết chặt trừng phạt Bình Nhưỡng. Dù có bước đi cấm nhập khẩu than Triều Tiên hồi tháng 2-2017, Trung Quốc lại tăng cường mua sắt của nước láng giềng, góp phần giúp kim ngạch thương mại giữa 2 nước tăng 10,5%, lên 2,55 tỉ USD trong nửa đầu năm nay.
Cùng lúc đó, các biện pháp cải cách kinh tế thực hiện từ năm 2011 bắt đầu phát huy hiệu quả, cho phép các nhà quản lý xí nghiệp ấn định tiền lương, tự tìm nhà cung cấp, tuyển dụng và sa thải nhân viên. Mô hình sản xuất nông nghiệp tập thể được thay thế bằng hệ thống quản lý dựa trên hộ gia đình dẫn đến năng suất thu hoạch cao hơn. Bình Nhưỡng còn chấp nhận cả doanh nghiệp tư nhân ở mức hạn chế.
Theo Bloomberg, sự tăng trưởng nói trên góp phần giúp lý giải tại sao các biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng trong hơn 10 năm qua tỏ ra không hiệu quả. Chừng nào kinh tế Triều Tiên còn tăng trưởng sẽ rất khó để buộc nước này thay đổi hành vi thông qua các rào cản thương mại.
Chỉ có điều, Bình Nhưỡng vẫn còn nhiều cơ hội tăng trưởng và cộng đồng quốc tế có thể phải chờ đợi khá lâu trước khi các biện pháp trừng phạt mới gây tổn thương đủ lớn để buộc nước này chuyển hướng.
Bước tiến về công nghệ
Vụ phóng tên lửa đạn đạo mới nhất của Triều Tiên hôm 15-9 không chỉ phát đi tín hiệu thách thức đến các đối thủ mà còn đánh dấu bước tiến về công nghệ. Theo quân đội Hàn Quốc, tên lửa này bay được 3.700 km và đạt độ cao tối đa 770 km, trở thành tên lửa có tầm bắn xa nhất từ trước đến nay. Giới chuyên gia nhận định tên lửa này đủ sức vươn tới đảo Guam - lãnh thổ ở Thái Bình Dương của Mỹ và cách Triều Tiên khoảng 3.400 km.
Theo ABC News, kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa Bình Nhưỡng với "lửa và cuồng nộ" hồi tháng 8, chính quyền của ông Kim Jong-un đã tiến hành vụ thử hạt nhân mạnh nhất từ trước tới nay, đe dọa bắn tên lửa tới vùng biển quanh đảo Guam và đã phóng 2 tên lửa bay qua lãnh thổ Nhật Bản với tầm bắn ngày càng xa hơn. Tháng 7 còn chứng kiến vụ thử nghiệm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa đầu tiên của Triều Tiên được cho là có khả năng tấn công sâu vào lục địa Mỹ một khi hoàn thiện.
Tần suất, sức mạnh cũng như sự tự tin lớn dần đang thể hiện qua những vụ thử nghiệm nói trên và càng củng cố nỗi lo lâu nay của cộng đồng quốc tế: Triều Tiên đã tiến gần hơn bao giờ hết mục tiêu xây dựng kho vũ khí quân sự có thể nhắm tới quân Mỹ ở châu Á và cả trên đất Mỹ. Điều này sẽ cho phép Bình Nhưỡng tự do hành động, đồng thời làm tăng nghi ngờ ở Seoul và Tokyo về cam kết bảo vệ của đồng minh Washington.
Ngày 15-9, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson nhấn mạnh Trung Quốc và Nga phải có các hành động trực tiếp nhằm phản ứng những vụ phóng tên lửa của Bình Nhưỡng. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cùng gọi động thái của Triều Tiên là hành động liều lĩnh, không thể chấp nhận được. Theo tờ Guardian, câu hỏi về khả năng đáp trả quân sự đã được đặt ra với ông Mattis sau vụ thử tên lửa của Triều Tiên song ông chủ Lầu Năm Góc nói: "Tôi chưa muốn nói về chuyện này".
Hàn Quốc cũng có phản ứng mạnh mẽ thông qua cuộc tập trận tên lửa đạn đạo ngay sau vụ phóng của Triều Tiên. Đáng chú ý, trong cuộc tập trận này, quân đội Hàn Quốc đã phóng 1 tên lửa Hyunmoo-II với khoảng cách tương đương địa điểm tập trận đến sân bay Sunan - nơi Triều Tiên phóng tên lửa hôm 15-9 và bị Tổng Tham mưu trưởng quân đội Hàn Quốc gọi là "cội nguồn của khiêu khích".
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh khẳng định Bắc Kinh phản đối vụ phóng của Bình Nhưỡng nhưng cho rằng ngoại giao là cách tốt nhất để giải quyết vấn đề phức tạp, nhạy cảm và khắc nghiệt này. Bà Hoa cũng phủ nhận giả thuyết vốn được Tổng thống Donald Trump cũng như một số giới chuyên gia ủng hộ, rằng Trung Quốc nắm giữ chìa khóa trong việc ngăn chặn tham vọng hạt nhân, tên lửa của nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Thu Hằng
Bình luận (0)