Ước mơ đó sẽ trở thành sự thật trong bao lâu? Trong báo cáo thường niên với Quốc hội Mỹ công bố vào thứ sáu tuần rồi (18-5), Lầu Năm Góc bày tỏ quan ngại về tốc độ và quy mô hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc đồng thời tố cáo nước này ăn cắp thông tin công nghệ và kinh tế phương Tây, nhất là Mỹ, “tích cực và bền bỉ nhất thế giới”.
Năng nhặt chặt bị
Phương thức thu thập thông tin tình báo của Trung Quốc có thể gói gọn trong câu “năng nhặt chặt bị”. Tất cả mọi phương tiện đều được tận dụng, từ tình báo mạng đến tình báo con người. Ai cũng có thể trở thành điệp viên Trung Quốc vì lòng ái quốc hoặc vì tiền.
Về tình báo mạng, Mike Rogers, Chủ nhiệm Ủy ban Tình báo Thường trực Hạ viện Mỹ, mô tả: “Mỗi buổi sáng ở Trung Quốc có hàng ngàn tin tặc có trình độ cao thức dậy với một nhiệm vụ: “Ăn cắp sở hữu trí tuệ của Mỹ để Trung Quốc tăng trưởng kinh tế”. Theo Lầu Năm Góc, thông tin kinh tế và công nghệ nhạy cảm của Mỹ đã bị các cơ quan tình báo, công ty tư nhân, các tổ chức nghiên cứu và hàn lâm, công dân của hàng chục nước săn tìm ráo riết nhưng tin tặc Trung Quốc thuộc loại năng động và tích cực nhất.
Về tình báo con người, Trung Quốc không đi theo đường mòn cài thật sâu một vài điệp viên lớn “nằm vùng” lâu năm hoặc tuyển mộ điệp viên hai mang như Liên Xô trước đây. Họ áp dụng chiến thuật một cá nhân thu thập một ít thông tin nhưng cả ngàn người sẽ đem lại một lượng thông tin khổng lồ. Chiến thuật này tỏ ra rất thành công ở Mỹ - nơi có nhiều người Mỹ gốc Hoa được trọng dụng trong các ngành khoa học và kỹ thuật, kể cả công nghiệp quốc phòng với tư cách là kỹ sư, khoa học gia.
Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) cho biết có đến 98% điệp viên không chuyên (từ sinh viên đến các khoa học gia) nhận lời làm việc cho tình báo Trung Quốc thuộc cộng đồng người Hoa ở Mỹ. Vụ án gia đình kỹ sư Chi Mak tuồn tài liệu về hệ thống chiến đấu Aegis của Mỹ giúp Trung Quốc có được một phiên bản ứng dụng vào tàu khu trục Lan Châu là một điển hình.
Báo cáo của Lầu Năm Góc cũng đề cập chiến đấu cơ tàng hình J-20 và tàu sân bay Thi Lang của Trung Quốc. Mẫu thứ 2 của J-20 có tên Mãnh Long 2 vừa thực hiện một chuyến bay thử hồi tuần rồi, còn chiếc Thi Lang (tên cũ là Varyag, vốn là tàu sân bay thời Liên Xô mua lại của Ukraine rồi “mông má” lại thành tàu sân bay) cũng mới cập cảng Đại Liên hôm 15-5 sau 9 ngày chạy thử. Đây là chuyến chạy thử lần 6.
Vũ khí mới của Trung Quốc hiệu quả cỡ nào?
J-20 và Thi Lang có phải là địch thủ của Mỹ trong tương lai gần? Một số chuyên gia Mỹ không tin rằng năm 2020, Trung Quốc có được một phi đội chiến đấu cơ tàng hình J-20 ngang ngửa với F-22 hoặc F-35 của Mỹ. Tàu sân bay Thi Lang càng không có khả năng chiến đấu như các tàu sân bay Mỹ chạy bằng động cơ diesel chứ đừng nói gì USS Enterprise chạy bằng động cơ hạt nhân.
Trung Quốc cũng đang làm y như vậy. Họ vừa cho bay thử vừa sản xuất một số lượng nhỏ J-20. Cách làm này có cái lợi là đưa J-20 vào hoạt động nhanh hơn Mỹ tưởng. Tướng không quân Trung Quốc Hà Vĩ Vinh tuyên bố J-20 sẽ sẵn sàng chiến đấu vào năm 2017 hoặc chậm nhất năm 2019. Nhưng nó cũng dễ gặp trục trặc.
Bình luận (0)