Ông Hussein Sheikh al-Islam, cố vấn của nhà lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei, cáo buộc Mỹ và Ả Rập Saudi đứng sau động thái này.
Ông Saad al-Hariri Ảnh: Reuters
Những chỉ trích trên được xem là lời đáp trả của Tehran sau khi ông Hariri tố Iran gieo rắc "nỗi sợ hãi và sự phá hủy" tại một số nước, trong đó có Lebanon. Nhà lãnh đạo này cũng nói ông từ chức vì sợ âm mưu ám sát mình. Cha của ông Saad al-Hariri, cựu Thủ tướng Rafik al-Hariri, thiệt mạng trong một vụ tấn công bom năm 2005, bị nghi do phong trào Hezbollah được Iran hậu thuẫn gây ra.
Giới phân tích nhận định sự ra đi đột ngột nói trên đã đẩy Lebanon vào cuộc khủng hoảng chính trị mới, cũng như đe dọa biến quốc gia này thành tâm điểm của cuộc đối đầu giữa Ả Rập Saudi và Iran tại Trung Đông.
Ông Hariri làm thủ tướng Lebanon từ tháng 12-2016 - một vị trí ông từng nắm giữ trong giai đoạn 2009-2011. Sau khi nhậm chức, ông Hariri hứa hẹn về một "kỷ nguyên mới" cho Lebanon sau 2 năm lâm vào cảnh bế tắc chính trị. Chính phủ liên hiệp do ông dẫn đầu tập hợp gần như mọi chính đảng ở Lebanon, trong đó có cả Hezbollah. Vì thế, động thái từ chức báo hiệu cái kết của một liên minh không vững chắc giữa Hariri, một người Hồi giáo dòng Sunni và là đồng minh lâu năm của Ả Rập Saudi và phong trào Hezbollah của người Shitte.
Theo tờ The Washington Post, thỏa thuận chia sẻ quyền lực này từng góp phần giúp Lebanon không rơi vào cảnh bạo lực như tại nhiều nơi ở khu vực nhưng cũng khiến các đối thủ của Iran lo ngại về ảnh hưởng ngày càng tăng của Tehran tại quốc gia này. Không gì lạ khi Văn phòng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ra tuyên bố hoan nghênh quyết định của ông Hariri, cũng như cho rằng cộng đồng quốc tế cần hành động để kiềm chế Iran.
Một dấu hiệu nữa cho thấy căng thẳng tại khu vực đang gia tăng là phiến quân Houthi, được Iran hậu thuẫn ở Yemen, đã bắn một quả tên lửa đạn đạo về phía thủ đô Riyadh của Ả Rập Saudi không lâu sau thông báo từ chức của ông Hariri. Nhà chức trách Ả Rập Saudi cho biết đã đánh chặn được tên lửa này.
Bình luận (0)