Đài BBC ngày 25-7 đưa tin ít nhất 100 người vẫn đang mất tích và hàng ngàn người mất nhà cửa sau sự cố vỡ đập thủy điện Xepian-Xe Nam Noy ở Đông Nam Lào nói trên.
Người dân sơ tán sau khi đập bị vỡ nhấn chìm nhiều ngôi làng trong biển nước. Ảnh: Reuters
Người dân sơ tán sau khi đập bị vỡ nhấn chìm nhiều ngôi làng trong biển nước. Ảnh: Reuters
Hàng ngàn người dân rơi vào tình cảnh mất nhà cửa. Ảnh: Attapeu Today
Lực lượng cứu hộ đang dùng trực thăng và thuyền để cố gắng tìm kiếm và sơ tán người dân bị mắc kẹt trong vùng lũ. Giới chức địa phương ở tỉnh Attapeu cũng đề nghị các cơ quan chính phủ và các cộng đồng khác hỗ trợ khẩn cấp cho người dân vùng lũ như thực phẩm, nước uống, thuốc men và quần áo.
Những hình ảnh từ hiện trường thảm họa cho thấy nhiều người sống sót phải leo lên mái nhà để chờ cứu hộ sau khi nước ngập lên tận nóc hoặc lội bì bõm trong nước lũ, tay ôm theo trẻ nhỏ và đồ đạc.
Một người phụ nữ xuất hiện trong video do ABC Laos đăng tải trên Facebook, khóc nghẹn ngào và cầu nguyện khi được sơ tán lên thuyền, cô nói với những người cứu hộ rằng mẹ của cô vẫn mắc kẹt trên một cái cây.
Người dân tá túc tạm trên nóc nhà chờ cứu hộ. Ảnh: EPA/ABC LAOS NEWS
Tại một khu trú tạm. Ảnh: Reuters
Theo BBC, sự cố thảm khốc trên xảy ra với một đập phụ nằm trong mạng lưới 2 đập chính và 5 đập phụ thuộc dự án thủy điện Xepian-Xe Nam Noy. Đập đã được xây dựng hoàn thiện 90% và dự kiến bắt đầu vận hành thương mại vào năm tới. Công ty SK Engineering & Construction của Hàn Quốc – một bên tham gia dự án, cho biết các vết nứt gãy đã được phát hiện trước tiên trên đập hôm 23-7, trước khi nó bị vỡ.
Trong khi đó, công ty Ratchaburi Electricity Generating Holding, một nhà thầu chính từ Thái Lan, cho biết đập bị nứt vỡ do mưa lớn liên tục khiến mực nước trong bể chứa của dự án tăng cao. Hậu quả là nước chảy xuống khu vực hạ lưu và chảy xuống sông Xe-Pian cách đập khoảng 5 km.
Những năm gần đây, Lào đầu tư rất mạnh tay vào thủy điện vốn chiếm 30% kim ngạch xuất khẩu nước này. Chính phủ nước này đang có kế hoạch tăng gấp đôi sản xuất năng lượng hiện tại vào năm 2020 để trở thành "pin của Đông Nam Á".
Bình luận (0)