Giống như ông Obama, cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton - ứng viên dẫn đầu Đảng Dân chủ chạy đua vào Nhà Trắng - cũng không đề cập tới vấn đề Hồi giáo cực đoan trong tuyên bố đưa ra sau thảm kịch. Thay vào đó, bà kêu gọi Mỹ “nỗ lực gấp đôi” để bảo vệ nước nhà, bao gồm việc đánh bại các nhóm khủng bố quốc tế.
Trái lại, tỉ phú Donald Trump, ứng viên Đảng Cộng hòa, công kích gay gắt việc cụm từ “Hồi giáo cực đoan” không xuất hiện trong phát biểu của ông Obama cũng như tuyên bố của bà Clinton. Vị đại gia bất động sản cho rằng điều này đủ khiến ông Obama từ chức và bà Clinton bỏ cuộc đua.
Trước đó, ông Trump viết trên trang mạng xã hội Twitter rằng vụ xả súng đã chứng minh những lời cảnh báo của ông về “chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo cực đoan” là đúng và nhấn mạnh sự cần thiết của đề xuất cấm người Hồi giáo nhập cảnh vào Mỹ do chính ông khởi xướng.
Tưởng niệm nạn nhân ở TP Atlanta. Ảnh: AP
Theo GS Julian Zelizer từ Trường ĐH Princeton (Mỹ), mỗi khi khủng bố xảy ra trước thời điểm bầu cử, các bên đều điều chỉnh lại chiến dịch tranh cử. Chuyên gia này nhấn mạnh dù muốn hay không, các ứng viên cần đưa ra những phản ứng được “chính trị hóa” nhằm bảo đảm các đối thủ không thể giành được lợi thế.
Tuy nhiên, vụ thảm sát đẫm máu này dường như sẽ mang lại nhiều tác động tích cực cho ông Trump, theo đánh giá của chuyên gia Laure Mandeville trên tờ Figaro. Tâm lý bất an gia tăng trong cử tri Mỹ có thể khiến họ nhận ra chủ trương “đóng cửa với người Hồi giáo” hợp lý ở một khía cạnh nào đó.
Dù vậy, phát biểu “khiêu khích” nói trên của ông Trump cũng có thể là con dao 2 lưỡi bởi sẽ có những cử tri hoài nghi về khả năng đối phó một cuộc tấn công khủng bố của ứng viên này.
Bình luận (0)