Cái chết trở thành điều cấm kỵ ở thị trấn Longyearbyen trên đảo Spitsbergen, thuộc quần đảo Svalbard - Na Uy gần 70 năm qua. Lý do đằng sau luật lệ có một không hai nói trên liên quan đến đại dịch cúm Tây Ban Nha xảy ra hồi năm 1918 và khí hậu khắc nghiệt của địa phương.
Virus cúm "vượt thời gian"
Thị trấn Longyearbyen có khoảng 2.000 dân. Nhiệt độ trung bình nơi đây vào tháng 2 là -17 độ C và có lúc giảm xuống -46,3 độ C. Lệnh cấm được đưa ra năm 1950 sau khi các nhà khoa học phát hiện nhiệt độ cực thấp ở Longyearbyen khiến các thi thể trong nghĩa trang địa phương không bị phân hủy sau nhiều thập kỷ.
Đến tháng 8-1998, tức 80 năm sau đại dịch, một phát hiện chấn động khác được hé lộ. Nhóm nhà khoa học từ Trường ĐH Windsor (Canada) đã phân tích mô từ thi thể một nạn nhân của đại dịch cúm năm 1918 được chôn ở Longyearbyen và không khỏi sửng sốt khi phát hiện virus cúm vẫn còn sống. Vậy là cư dân thị trấn đã sống chung với virus chết người này trong nhiều thập kỷ mà không hề hay biết.
Thị trấn Longyearbyen chìm trong bóng tối vài tháng mỗi năm Ảnh: THE SUN
Trong đại dịch cúm nói trên, khoảng 500 triệu người trên toàn cầu nhiễm bệnh, trong đó có những người sống tại các hòn đảo xa xôi ở Thái Bình Dương và cư dân Bắc Cực. Con số này chiếm hơn 1/3 dân số thế giới khi đó. Đại dịch khủng khiếp này ước tính cướp đi sinh mạng của 100 triệu người, bao gồm 11 nạn nhân được chôn cất tại thị trấn Longyearbyen.
Phát hiện trên là mối đe dọa với người dân địa phương nhưng có thể giúp ích cho các nhà khoa học trong việc nghiên cứu các mẫu virus thu thập được để tìm biện pháp ngăn đại dịch tương tự tái diễn.
Nhận thức mức độ nguy hiểm của virus cúm gây đại dịch, không ít người dân Longyearbyen chọn cách rời đi. Nghĩa trang tại đây cũng không tiếp nhận thêm bất kỳ thi hài mới nào do lo ngại dịch bệnh lan rộng, tức là dù bất cứ ai sống cả đời trên đảo Spitsbergen cũng không được phép chôn cất tại đây khi qua đời.
Chết xa nhà
Trong khi đó, những người mắc bệnh nan y giai đoạn cuối sẽ được đưa ra khỏi đảo để đến thủ đô Oslo, nơi họ trải qua những ngày cuối đời. Tuy các bình tro cốt có thể được chôn tại nghĩa trang nhưng rất ít người chọn cách này vì cần có sự đồng ý của nhà chức trách. Ngoài ra, thị trấn này cũng không có nhà dưỡng lão hoặc bất kỳ cơ sở nào được thành lập để chăm sóc người già yếu nên họ buộc phải chuyển đi trước khi qua đời.
Tuy nhiên, cái chết không phải là vấn đề duy nhất đẩy người dân Longyearbyen vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Khi còn sống, họ cũng đối mặt không ít bất tiện. Các sản phụ không thể sinh con ở Longyearbyen do không có bệnh viện. Vài tuần trước khi sinh họ phải vào đất liền và chỉ được về nhà sau khi đứa trẻ ra đời vài tuần.
Giải thích về luật lệ kỳ lạ này, ông Jan Christian Meyer, Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Na Uy, cho biết: "Mặt đất đóng băng vĩnh viễn không chỉ bảo quản các thi thể tránh bị phân hủy mà còn đẩy chúng lên bề mặt. Nhiệt độ giá rét cũng có thể lưu giữ căn bệnh chết người, từ đó dẫn tới nguy cơ lây nhiễm cho người dân địa phương sau này. Nếu ai đó sắp qua đời, họ sẽ được đưa vào đất liền bằng mọi cách".
Vị trí địa lý đặc biệt cũng gây ra một loạt thách thức hiếm thấy đối với người dân Longyearbyen. Hằng năm, họ trải qua vài tháng không hề có ánh sáng mặt trời trong lúc gấu Bắc Cực sống trong môi trường thiên nhiên hoang dã bên ngoài thị trấn. Bất chấp nỗ lực ngăn chặn của chính quyền địa phương, địa hình hiểm trở khiến người dân dễ dàng nhìn thấy gấu Bắc Cực đi lang thang. Dân Longyearbyen buộc phải mang theo súng trường khi ra ngoài bởi loài vật này được cho là sẽ tấn công khi nhìn thấy con người. Dù vậy, họ chỉ được phép bắn gấu để tự vệ.
Một hiểm họa chực chờ khác là lở tuyết, từng gây ra vài thảm kịch trong quá khứ. Ngoài luật cấm chết, chính quyền Longyearbyen còn ban hành lệnh cấm nuôi mèo để bảo vệ các loài chim ở Bắc Cực. Bên cạnh đó, du khách khi đến nơi này phải cởi giày trước khi vào hầu hết tòa nhà chứ không chỉ nhà dân.
Bình luận (0)