Tổ chức khủng bố al-Qaeda quen thuộc cứ âm thầm phục hồi trong khi tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đang làm mưa làm gió ở Syria và Iraq.
Phát triển mạnh
Al-Qaeda đã chính thức bước vào cuộc nội chiến Syria hồi tháng 1-2012 với mục đích rõ ràng là loại bỏ Tổng thống Bashar al-Assad và thiết lập một nhà nước Hồi giáo. Chẳng bao lâu sau, tổ chức này nhìn thấy cơ hội tự tái sinh trong bối cảnh xảy ra tình trạng hỗn loạn ở Syria - theo các chuyên gia về khủng bố và giới phân tích an ninh.
Còn lúc này, sau 5 năm, dư luận đang ngày càng lo ngại rằng Syria có thể trở thành căn cứ chủ yếu cho các hoạt động khủng bố toàn cầu của al-Qaeda.
Al-Qaeda đã hình thành một chi nhánh tại Syria dưới danh nghĩa một nhóm nổi dậy Ảnh: VICE NEWS
Theo trang Vice News, trong những năm kể từ khi bước vào cuộc xung đột Syria, al-Qaeda đã hình thành một chi nhánh tại địa phương, dưới danh nghĩa một nhóm nổi dậy, với tên gọi Liên minh nổi dậy Hayat Tahrir al Sham (HTS - còn được biết đến với tên gọi Tổ chức Giải phóng Cận Đông). Điều đáng nói, đây là nhóm nổi dậy vượt trội nhất ở Syria. Như thế, al-Qaeda đã lặng lẽ thu nhận một "đội quân du kích lớn nhất trong lịch sử của mình" - chuyên gia về khủng bố Thomas Joscelyn phân tích.
Năm 2011, thi thể Osama Bin Laden bị ném xuống biển và ông Leon Panetta, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khi đó, tuyên bố thất bại về chiến lược của al-Qaeda là "có thể hiểu được". Thế nhưng, tổ chức khủng bố từng gây ra vụ tấn công kinh hoàng ngày 11-9-2001 đã âm thầm phát triển và những gì đạt được tại Syria là chiến tích mới nhất trong số các thành công gần đây của chúng, bao gồm Yemen, Somalia và Tây Phi.
Trong những năm qua, al-Qaeda đã mở rộng tầm ảnh hưởng của mình qua các đại diện mới được trao quyền tại địa phương và tổ chức này đã giành được phần lãnh thổ có giá trị tại tỉnh Idlib, miền Tây Bắc Syria, ngay tâm điểm Trung Đông. Thông qua chi nhánh tại địa phương, al-Qaeda gần đây đã siết chặt thế thống trị của mình ở tỉnh Idlib qua hành động chiếm đoạt lãnh thổ từ tay nhóm nổi dậy đối thủ Ahrar al Sham.
Thắng lợi này - liên quan đến một số trận đánh ác liệt nhất giữa quân nổi dậy Syria từ khi cuộc chiến nổ ra - là "một phần trong số tất cả những gì họ đã đặt cơ sở cho sự phát triển mạnh hơn trong mấy năm cuối này", theo chuyên gia Colin P. Clarke.
Thành công
Al-Qaeda đã lợi dụng tình hình để "phất cờ" khi ông Assad bị tố cáo tham quyền cố vị và lực lượng an ninh của ông bị cáo buộc đối xử tàn bạo với nhân dân; chẳng hạn: gây ô nhiễm khí độc tại các thành thị, ném bom chùm trường học và bệnh viện, tra tấn và hành quyết hàng loạt và áp dụng chiêu thức bỏ đói. "Đường lối mạnh tay của chế độ Assad để đối phó cuộc nổi dậy đã thổi một sức sống mới cho al-Qaeda ở Syria" - chuyên gia Clarke nhấn mạnh.
Trong khi đó, với sự giúp sức của chi nhánh al-Qaeda, IS đã lập nên "thủ phủ" ở TP Raqqa, giữa miền Tây Bắc Syria, vào tháng 3-2013 và nhanh chóng giành được lãnh thổ trên khắp Syria. Tuy nhiên, 1 năm sau, chi nhánh của al-Qaeda ở Syria đã chính thức "chia tay" với IS vì nhiều sự khác biệt.
Kể từ đó, al-Qaeda tự đặt mình vào vị trí ở giữa chế độ Assad và tổ chức cực đoan IS, tỏ ra cho người dân Syria theo dòng Sunni thấy tổ chức này là một sự lựa chọn khác đầy khoan dung hơn. Dần dần, cùng với số nhóm nổi dậy ôn hòa ít ỏi, al-Qaeda đã ngày càng được tin cậy nhất trong phe nổi dậy Syria chống lại chế độ Assad.
"Bọn chúng cho thấy bản thân không chỉ là một lực lượng chống Assad mà còn tự tô vẽ rất nhiều để được so sánh với IS. Bọn chúng tự khắc họa mình là phe nổi dậy ôn hòa" - ông Clarke xác nhận.
Al-Qaeda vươn dậy, trở thành một trong những nhóm nổi dậy mạnh nhất ở Syria cũng như nắm giữ sức mạnh thống trị ở pháo đài chính Idlib của quân nổi dậy. Đó chính là nhờ phần đóng góp không nhỏ từ chính sách sai lầm của Mỹ ở Syria. Chiến lược của Washington bao gồm những cuộc không kích được chăng hay chớ nhằm vào các trại huấn luyện, các địa điểm họp và các cá nhân của al-Qaeda cũng như chương trình "huấn luyện và trang bị" của CIA - đã hủy bỏ hồi tháng trước - cho các nhóm nổi dậy ôn hòa.
"Chính sách của Mỹ nhìn chung đã nhầm lẫn ngay từ đầu. Mọi người đều tập trung vào chống IS và chẳng hề có một chiến lược thực sự để chống lại lực lượng al-Qaeda đang ngày càng lớn mạnh" - chuyên gia Joscelyn nhận xét, đồng thời khẳng định đúng là thảm họa khi CIA hủy bỏ chương trình "huấn luyện và trang bị" nhằm hỗ trợ quân nổi dậy ôn hòa.
Nhiều phần tử nổi dậy ôn hòa đã trở thành những kẻ quá khích, chẳng hạn như Phong trào Nour al-Din al-Zenki - vốn từng chiến đấu bên cạnh Mặt trận al-Nusra, đồng minh của al-Qaeda, trước khi tạm thời gia nhập HTS.
Nhà phân tích chính trị Syria Ibrahim al-Assil cho rằng đó là sai lầm chiến lược trong chính sách của Mỹ. "Khi các nhóm ôn hòa bị tấn công, Mỹ đã không yểm trợ bằng không quân hoặc phương tiện khác" - ông al-Assil xác nhận. Điều đó tạo cho al-Qaeda "cơ hội triệt hạ các nhóm khác và tuyển thêm tân binh".
Tóm lại, giới chuyên gia nhận định rằng 3 yếu tố then chốt làm nên thành công của al-Qaeda ở Syria gồm: Một là sự đối đầu liên tục về quân sự với chế độ Assad - tạo cho al-Qaeda một chỗ đứng nhất định; hai là chiến lược quân sự rối tung và không tập trung của Mỹ - vốn hậu thuẫn miễn cưỡng các nhóm nổi dậy ôn hòa và phớt lờ al-Qaeda; ba là nỗ lực tái xuất dành ưu tiên cho các hoạt động tại địa phương hơn các tham vọng toàn cầu của tổ chức này.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 12-8
Kỳ tới: Bin Laden thề trả thù
Al-Qaeda "học tập IS"
Theo hãng tin AAP (Úc), al-Qaeda đang học cách IS sử dụng internet để cực đoan hóa giới trẻ và điều đó đã khiến nhà chức trách Úc lo ngại. Chính phủ liên bang đang có chủ trương tập trung nỗ lực chống chủ nghĩa quá khích bạo lực trên mạng xã hội.
Phát biểu trước thượng viện, Thứ trưởng Tư pháp Úc Katherine Jones cho biết bộ này xem đây là "vấn đề có ý nghĩa và lâu dài". "Chúng tôi thấy các tổ chức khác, chẳng hạn như al-Qaeda, học tập từ IS trong việc sử dụng mạng xã hội một cách tinh vi hơn" - bà quả quyết.
Còn Bộ trưởng Tư pháp Úc George Brandis thừa nhận công cuộc chống chủ nghĩa quá khích bạo lực là lĩnh vực khá mới mẻ. Từ đó, tất cả bang và lãnh thổ đã được tiến hành các chương trình can thiệp thích đáng, sử dụng những kỹ thuật khác nhau để giúp xóa bỏ tư tưởng cực đoan nơi giới trẻ hoặc những ai có nguy cơ bị cực đoan hóa.
Bình luận (0)