Tiết lộ đáng chú ý trên được báo Wall Street Journal đăng tải hôm 24-12.
Đảo chính bí mật
Theo đó, các quan chức tình báo Mỹ thậm chí đã xác định những sĩ quan người Alawite có thể cầm đầu cuộc đảo chính nhưng lại không tìm thấy nhiều điểm yếu của họ để khai thác. Thông tin bất ngờ này vỡ lỡ sau cuộc phỏng vấn của Wall Street Journal với hơn hai chục nhân vật, trong đó có những quan chức Mỹ đã nghỉ hưu và có cả những người đang tại nhiệm.
Các quan chức tình báo Mỹ thậm chí đã xác định những sĩ quan người Alawite có thể cầm đầu cuộc đảo chính chống Assad. Ảnh: Reuters
Một cựu nhân viên của chính quyền Mỹ thừa nhận: "Năm 2011, chính sách của Nhà Trắng là tiến hành một quá trình chuyển đổi chính trị tại Syria thông qua việc phát hiện những rạn nứt trong chế độ và kích động, lôi kéo người phản đối ông Assad".
Theo Wall Street Journal, các quan chức cấp cao của Mỹ và Syria thường liên lạc trực tiếp hoặc liên lạc qua lời nhắn trung gian.Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ William Burns 2 lần gọi điện thoại cho Ngoại trưởng Syria Walid al-Moallem để cảnh báo chế độ Assad sử dụng vũ khí hóa học trên quy mô lớn. Ông Burns vừa nghỉ hưu năm ngoái.
Một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết hoạt động liên lạc bí mật này không giống với việc liên lạc với Cuba và Iran, bởi trong trong các cuộc liên lạc này, Washington cho rằng họ có thể âm thầm giải quyết vấn đề và tập trung nhiều hơn vào những vấn đề cụ thể.
Tuy nhiên, kế hoạch này bất thành khiến chính quyền Obama đã phải chuyển hướng sang trợ giúp cho quân nổi dậy Syria bắt đầu vào năm 2012.
Mỹ sẽ thay đổi không kích
Trong một diễn biến khác, CNN ngày 24-12 dẫn lời một quan chức cấp cao của Mỹ tiết lộ giới chức an ninh nước này đang có những cuộc thảo luận nội bộ ban đầu về việc liệu cần phải có những thay đổi trong nguyên tắc can thiệp của quân sự Mỹ trong các cuộc không kích ở Iraq và Syria.
Các cuộc thảo luận này xoay quanh câu hỏi liệu có cần nới lỏng các nguyên tắc không kích khi Tổng thống Mỹ Barack Obama quyết định tăng cường không kích và vẫn triển khai Lực lượng Đặc nhiệm tới Syria. Một số quan chức Nhà Trắng, Bộ Ngoại giao, Lầu Năm Góc đều muốn thay đổi. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có bất cứ sự đồng thuận nào. Các cuộc thảo luận này được đăng tải đầu tiên trên báo The New York Times và Washington Post.
Một trong số các ý tưởng được bàn thảo là về vệc liệu có phải nắm trong tay các nguồn tình báo đa dạng trước bất cứ cuộc không kích nào và liệu các nguyên tắc phối hợp có cần phải nới lỏng trong liên minh.
Theo lời một số quan chức Mỹ, trong khi việc nới lỏng các nguyên tắc quản lý không kích có thể làm gia tăng nguy cơ thương vong của thường dân, mục tiêu chính vẫn là giữ mức thương vong đó ở mức 0.
Trong khi đó, Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR) ngày 24012 cho biết ít nhất 20 dân thường được cho là đã thiệt mạng trong một cuộc không kích nhằm vào Eastern Ghouta - khu vực bị quân nổi dậy chiếm đóng ở phía Đông thủ đô Damascus của Syria. Theo SOHR, trong số những người thiệt mạng có 7 trẻ em và 1 phụ nữ.
Trong một diễn biến khác cùng ngày, 20 người khác thương vong trong cuộc không kích của lực lượng nổi dậy Syria do Mỹ hậu thuẫn nhằm vào khu vực do chính quyền kiểm soát ở thành phố Aleppo, miền Bắc Syria. Mặc dù hai bên vẫn chưa ngừng nã đạn về phía nhau như vậy, nhưng trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc ngày 24-12, Ngoại trưởng Syria Walid Muallem khẳng định chính quyền Syria sẵn sàng tham gia cuộc hòa đàm tại Geneva (Thụy Sỹ) nhằm chấm dứt cuộc nội chiến tàn khốc ở quốc gia Trung Đông này.
Phát biểu với báo giới sau cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, ông Muallem tuyên bố: “Syria sẵn sàng tham gia cuộc đối thoại giữa những người Syria được tổ chức ở Geneva mà không có bất cứ sự can thiệp nào của nước ngoài".
IS đòi mở “vương quốc nhỏ” ở Somalia
Washington Post ngày 24-12 đưa tin nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đang ráo riết mở rộng ảnh hưởng bằng cách thiết lập một chi nhánh mà chúng gọi là “vương quốc nhỏ” ở Somalia. Điều này không hề dễ dàng với nhóm khủng bố Al-Shabab – có liên hệ với al-Qaeda vốn “cắm rễ” đã lâu ở quốc gia ở rìa Đông của châu Phi này, đã tuyên bố sẽ giết hết những kẻ gia nhập IS. Tuy nhiên, sự quyết tâm của IS nhằm vươn vòi tới mảnh đất trọng yếu này gây không ít lo ngại đối với Mỹ và hàng triệu USD đang được đổ vào chính phủ mới của Somalia cùng một chiến dịch quân sự chống Hồi giáo cực đoan.
Sự lo ngại này không hẳn không có căn cứ. Theo diễn biến mới nhất, Tư lệnh Cảnh sát Kenya Joseph Boinett ngày 24-12 cho biết khoảng 200 tay súng Hồi giáo cực đoan ly khai khỏi Al-Shabab ở Somalia đã thề trung thành với IS. Nhóm 200 tay súng này đang hoạt động xung quanh khu vực biên giới của Somalia, ở phía Bắc Kenya.
Bình luận (0)