Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 11-2 đặt tên chính thức cho chủng mới virus corona bùng phát tại Trung Quốc là Covid-19. Tại cuộc họp báo ở TP Geneva - Thụy Sĩ, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus lý giải chữ "Co" là viết tắt của "corona", "vi" trong "virus" và "d" trong tiếng Anh nghĩa là "dịch bệnh" và 19 là cách viết rút gọn của "năm 2019". Đợt bùng phát dịch bệnh được xác định lần đầu tiên ở Trung Quốc vào ngày 31-12-2019. Tổng giám đốc WHO cho hay việc đặt tên Covid-19 còn nhằm tránh đề cập một vị trí địa lý, loài động vật hoặc nhóm người cụ thể, phù hợp với các khuyến nghị quốc tế về việc đặt tên sao cho không gây kỳ thị.
Tính đến hết ngày 11-2, Trung Quốc đại lục ghi nhận ít nhất 1.113 ca tử vong (chưa tính 2 trường hợp ở Hồng Kông và Philippines) và 44.653 trường hợp nhiễm, theo tờ South China Morning Post (Hồng Kông). Riêng số ca nhiễm mới trong ngày 11-2 là 2.015, mức thấp nhất kể từ hôm 30-1, qua đó làm tăng hy vọng dịch Covid-19 sẽ được đẩy lùi vào tháng 4 tới đây như dự báo của nhà dịch tễ học Chung Nam Sơn, cố vấn y tế cấp cao của Trung Quốc.
Ông Chung Nam Sơn, người từng đóng vai trò quan trọng trong chiến dịch chống lại sự bùng phát của Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) vào năm 2003, hôm 11-2 nhận định số ca nhiễm mới đang sụt giảm tại một số tỉnh và dự báo dịch sẽ đạt đỉnh trong tháng 2 trước khi chấm dứt trong tháng 4. Các quan chức y tế Trung Quốc cũng nhấn mạnh tình hình đã được kiểm soát.
Thiết bị phun chất khử trùng lên người dân tại lối vào một khu dân cư tại TP Thiên Tân - Trung Quốc hôm 11-2Ảnh: Reuters
Tuy nhiên, theo Reuters, các chuyên gia quốc tế vẫn cảnh giác với sự lây lan của Covid-19. WHO hôm 11-2 cảnh báo Covid-19 là mối đe dọa toàn cầu có nguy cơ còn tồi tệ hơn khủng bố. "Thế giới phải cảnh giác và xem chủng virus này là kẻ thù số 1 của cộng đồng" - ông Tedros Adhanom Ghebreyesus thúc giục, đồng thời cho biết thêm vắc-xin phòng bệnh dự kiến ra mắt sau 18 tháng nữa. Khi được hỏi về dự đoán của ông Chung, giám đốc Cơ quan Y tế Úc Brendan Murphy cho rằng vẫn còn quá sớm để nói như thế. "Chúng ta cần theo dõi thêm số liệu chặt chẽ trong vài tuần nữa trước khi đưa ra bất cứ dự đoán nào" - ông nhận định với đài ABC.
Cũng nhận xét về dịch Covid-19 chết chóc, hãng tin Tân Hoa Xã của Trung Quốc hôm 12-2 đăng tải bài viết tuyên bố dịch bệnh là "cuộc chiến không có khói thuốc súng nhưng phải giành thắng lợi". Tân Hoa Xã cho rằng đợt bùng phát Covid-19 là phép thử lớn đối với h ệ thống và năng lực quản lý của Trung Quốc cũng như hồi chuông cảnh tỉnh cho tất cả.
Theo hãng tin Reuters, thống kê từ Trung Quốc cho thấy đến nay, khoảng 2% người bị nhiễm Covid-19 tử vong và nhiều người trong số này đã mắc bệnh từ trước hoặc cao tuổi. Tuy nhiên, tốc độ lây lan của Covid-19 đã gây ra không ít gián đoạn và tác động tiêu cực trên diện rộng. Các nguồn tin ngân hàng Trung Quốc cho biết hơn 300 công ty tại đại lục đang tìm kiếm các khoản vay có tổng trị giá 57,4 tỉ nhân dân tệ (hơn 8,2 tỉ USD) nhằm giúp đối phó tình trạng đình trệ hoạt động do ảnh hưởng từ sự lây lan của Covid-19. Công ty tài chính JPMorgan (Mỹ) đã hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc trong quý I/2020. Trong khi đó, Công ty Tư vấn năng lượng Rystad Energy (Na Uy) dự đoán đợt bùng phát Covid-19 sẽ khiến nhu cầu dầu mỏ toàn cầu năm nay không tăng nhiều như dự báo trước đó.
Bệnh lạ chết người ở Nigeria
Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Nigeria (NCDC) đang cảnh báo về mối đe dọa của một căn bệnh bí ẩn sau khi nó cướp đi sinh mạng của 15 người và lây nhiễm hơn 100 người tại quốc gia này. Người mắc bệnh có các triệu chứng như đau đầu, nôn mửa, sưng tấy và tiêu chảy. Theo NCDC, trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên được ghi nhận tại bang Benue, phía Đông Nam của thủ đô Abuja, vào cuối tháng rồi.
Theo trang tin News Africa ngày 11-2, giới chức y tế Nigeria vẫn chưa xác định được virus gây bệnh lạ nêu trên, vì thế vẫn chưa tìm được phương pháp điều trị. Thượng viện Nigeria đã hối thúc Bộ Y tế triển khai chuyên gia đến tâm dịch để tìm hiểu thêm về bệnh lạ. Ngoài ra, cơ quan lập pháp này còn kêu gọi NCDC cách ly những người nhiễm bệnh và giám sát tình hình chặt chẽ để ngăn virus lây lan.
"Chúng tôi đã được Bộ Y tế thông báo các trường hợp thiệt mạng vì bệnh lạ ở bang Benue vào ngày 1-2. Nhiều mẫu vật đã được xét nghiệm và cho kết quả âm tính với sốt xuất huyết" - NCDC cho biết trên mạng xã hội Twitter. Bộ trưởng Y tế Nigeria Osagie Ehanire trước đó khẳng định bệnh lạ dường như không liên quan đến virus Ebola, virus Lassa hoặc chủng mới virus corona đang hoành hành.
Ông Ehanire còn cho biết thêm rằng NCDC đã triển khai chiến dịch ứng phó khẩn cấp tại khu vực bị ảnh hưởng. Theo BBC, giới chức chính phủ Nigeria nghi ngờ các loại hóa chất được sử dụng để đánh bắt hải sản là thủ phạm gây ra căn bệnh bí ẩn nêu trên.
Cao Lực
Bình luận (0)