Website WikiLeaks hôm 8-4 bắt đầu công bố hơn 1,7 triệu tài liệu của Mỹ chứa đựng những báo cáo tình báo và ngoại giao về mọi quốc gia vào những năm 70 của thế kỷ trước.
Ông Julian Assange đang ẩn náu tại Đại sứ quán Ecuador ở London (Anh). Ảnh: REUTERS
Chưa từng bị rò rỉ
Số tài liệu trên trải rộng từ đầu năm 1973 đến cuối năm 1976. Chúng được thể hiện dưới dạng điện tín, báo cáo tình báo và văn bản quốc hội, trong đó có những nội dung mật. Nhiều văn bản đề người nhận hoặc người gửi là ông Henry Kissinger, làm ngoại trưởng và cố vấn an ninh quốc gia Mỹ trong giai đoạn nói trên. Ông Julian Assange, nhà sáng lập WikiLeaks, cho hãng tin Press Association (Anh) biết bộ sưu tập mới nhất nói trên cho thấy “phạm vi và quy mô” của hoạt động ngoại giao, tình báo của Mỹ khắp thế giới.
Số tài liệu nói trên - được WikiLeaks gọi là thư viện công của nền ngoại giao Mỹ (PlusD) - chưa từng bị rò rỉ và chỉ có thể được tra cứu tại các văn khố quốc gia Mỹ. Ông Assange cho biết WikiLeaks đã mất nhiều tháng để phân tích và đánh giá lượng thông tin khổng lồ lưu giữ tại các văn khố quốc gia Mỹ trước khi tung ra dưới dạng có thể tìm đọc dễ dàng tại địa chỉ https://search.wikileaks.org/plusd/.
Theo đài BBC, phần lớn việc công bố dữ liệu nói trên được thực hiện bởi ông Julian Assange, nhà sáng lập WikiLeaks, trong thời gian ông ẩn náu tại Đại sứ quán Ecuador ở London (Anh). Ecuador đã cho phép ông Assange được tị nạn tại nước này nhưng Anh kiên quyết sẽ bắt giữ Assange ngay khi ông bước chân ra khỏi tòa nhà sứ quán. Sự việc đang gây ra tình trạng bế tắc về số phận của ông Assange trong hơn 9 tháng qua.
Tham gia chính trường
Ông Assange và WikiLeaks đã chọc giận Washington và gây chấn động chính trường thế giới khi công bố hơn 250.000 tài liệu ngoại giao mật của Mỹ vào năm 2010. Đây được xem là một trong những vụ rò rỉ thông tin mật tồi tệ nhất lịch sử Mỹ. Các luật sư của ông Assange cho biết thân chủ ông có thể bị đưa ra xét xử ở Mỹ và đối mặt với án tử hình vì tội công bố số tài liệu mật này.
Ngoài nỗ lực tránh bị dẫn độ về Thụy Điển, ông Assange, một người Úc, còn bắt đầu bước vào chính trường thông qua nỗ lực ra tranh cử thượng viện ở trong nước. Ra đời chỉ mới 2 tháng nhưng Đảng WikiLeaks đã có những bước phát triển ấn tượng. Theo đài Russia Today (Nga), đảng này đã thu hút đủ 500 thành viên đóng phí cần thiết để đăng ký với Ủy ban Bầu cử Úc.
Hôm 6-4, Đảng WikiLeaks đã công bố kế hoạch cho ứng viên mình ra tranh cử tại ít nhất 3 bang trong cuộc bầu cử vào ngày 14-9 tới. Trong đó, ông Assange dự kiến tham gia cuộc chạy đua vào thượng viện bang Victoria. Những người ủng hộ ông Assange hy vọng rằng việc thắng cử có thể giúp ông trở về nước an toàn. Tuy nhiên, đại diện Đảng WikiLeaks cho biết việc tìm kiếm sự bảo vệ của pháp luật không phải là mục tiêu của ông Assange. Thay vào đó, hoạt động chính trị của ông nhằm theo đuổi sự minh bạch trong chính trị mà WikiLeaks luôn cổ xúy.
Bình luận (0)