Ngoài mối nguy bị cưỡng bức tình dục đe dọa thường trực, nữ phóng viên chiến trường tác nghiệp ở các nước Hồi giáo còn là mục tiêu bắt bớ và giết hại của các phần tử nổi dậy. Hơn nữa, bom đạn vô tình cũng là một yếu tố khiến công việc của họ trở nên nguy hiểm hơn bao giờ hết.
Ngược dòng lịch sử
Ngày nay, nữ phóng viên có thể dễ dàng được các chính phủ cũng như các cơ quan báo chí cho phép xông pha ngoài chiến trường để có được những bản tin và bức ảnh thời sự nóng nhuốm mùi thuốc súng. Không như trước đây, họ hoàn toàn không được phép tác nghiệp ngoài chiến tuyến.
Theo tờ Los Angeles Times, Dickey Chapelle là nữ phóng viên chiến trường Mỹ đầu tiên thiệt mạng (tháng 11-1965) trong lúc đang tác nghiệp, khi mới 46 tuổi. Năm 1961, khi Chapelle được trao Giải thưởng Báo chí George Polk, người ta bình luận rằng bà có thể lăn xả ngoài chiến trận không thua kém cánh đàn ông to gấp đôi mình. Chapelle là một trong những người thuộc thế hệ thiết lập lực lượng các nữ phóng viên chiến trường hồi Thế chiến II, thời điểm phụ nữ không được chính thức cho phép đưa tin về chiến sự. Có thể nói, Chapelle có công mở toang cánh cửa cho các nhà báo nữ xông ra chiến trường.
Martha Gellhorn - nữ phóng viên đã đưa tin về mọi cuộc xung đột quốc tế lớn, từ cuộc nội chiến Tây Ban Nha (1936-1939) đến cuộc xâm lược Panama của Mỹ (1989-1990) - được xác định có mặt trong đoàn quân đồng minh đổ bộ Normandy ngày 6-6-1944, dù không một nữ phóng viên nào được phân công đưa tin trận chiến này. Bà đã trốn trong nhà vệ sinh của một con tàu bệnh viện, sau đó lên bờ cùng đội ngũ nhân viên cấp cứu và trở thành một trong vài phóng viên có mặt trong trận chiến đó. Bà bị bắt giam khi trở lại Anh nhưng đã trốn thoát và lên máy bay bay đến Ý để tiếp tục đưa tin về phần còn lại của cuộc chiến.
Trong khi đó, nữ phóng viên Lee Miller của tờ Vogue, từng mắc lỗi không thể tha thứ vì đã đến một trong những thành phố nước Pháp trước khi quân Đức rời đi, đã bị Bộ Chỉ huy quân đồng minh giam cầm cùng với nhà báo Catherine Coyne của tờ Boston Herald và các nhà báo nữ khác do vi phạm nguyên tắc. Họ chỉ được trả tự do sau khi quân Đức bị đánh bật khỏi Paris...
Sự quyết tâm và hoạt động của họ cuối cùng đã được đền đáp khi nữ giới được phép tiếp cận các hoạt động chiến sự trong Thế chiến II, bắt đầu từ tháng 9-1944. Một trong những nhà báo nữ đầu tiên được cấp phép là Virginia Irwin của tờ St. Louis Post-Dispatch với 3 ngày có mặt ngoài mặt trận. Nữ phóng viên này đã lẩn tránh mệnh lệnh quay lại hậu phương và đã lưu lại chiến trường suốt 3 tháng trời.
Được nể phục
Hai thập kỷ sau, bất kỳ phóng viên tự do nào ở Mỹ, dù là nam hay nữ, chỉ cần có lá thư tay từ 2 tổ chức báo chí là đã có thể được cấp giấy ủy nhiệm đến đưa tin tại các khu vực xảy ra chiến sự. Thế nhưng, nhiều cơ quan thông tấn lớn vẫn ngần ngại cử nữ phóng viên đến các điểm nóng.
Gloria Emerson, nữ phóng viên tự do từng có mặt ở Việt Nam năm 1956, mãi đến năm 1970 mới có thể thuyết phục được báo The New York Times cử đến đây tác nghiệp. Đối với giới nhà báo nữ tự do hay đội ngũ nhà báo chính thức lúc đó, đến được các khu vực chiến tuyến vẫn là một thách thức. Tướng William Westmoreland từng cấm phụ nữ ở lại ban đêm ngoài chiến trường nhưng ông đã thất bại.
Khoảng 70 nhà báo nữ người Mỹ đã tác nghiệp ở khu vực Đông Nam Á trước đây. Nổi bật là nhà báo tự do Beverly Deepe, người đã trải qua 7 năm ở Việt Nam - một khoảng thời gian kỷ lục.
Đến đầu những năm 1990, Bosnia-Herzegovina đã trở thành địa điểm quen thuộc đối với các nữ phóng viên. Vào những ngày đó, dư luận không thắc mắc liệu các nhà báo nữ có làm được việc hay không mà là đặt vấn đề liệu họ có tác nghiệp khác nam giới hay không. Gương mặt điển hình vào thời điểm ấy là Marie Colvin, nữ phóng viên Mỹ làm việc cho tờ Sunday Times của Anh.
“Điều khiến tôi day dứt là tôi sẽ được đánh giá là một nữ phóng viên chiến trường, nhận lãnh những mối nguy cơ và đưa những bản tin giống như các đồng nghiệp nam. Dù vậy, có những điểm khác biệt ở đây… Tôi nghĩ rằng phụ nữ thường khó có thể hiểu được những gì đang thực sự xảy ra trên chiến trận” - Colvin từng tâm sự.
Trong khi đó, nữ nhà báo Kim Gamel, biên tập viên của hãng tin AP tại Baghdad giai đoạn cao điểm của cuộc chiến Iraq, gần đây kể lại rằng nữ phóng viên chiến trường phải quên đi chuyện nhan sắc và quen với việc ngồi ở băng ghế sau ô tô trong chiếc áo che cả người và mặt của phụ nữ Hồi giáo.
“Có nhiều nhà báo nữ bị tấn công hơn và khi còn sống trở về, họ kể lại trải nghiệm của mình, sau đó tiếp tục ra chiến trường. Họ giành được sự nể phục của các đồng nghiệp nam và không còn bị chế giễu là quá mỏng manh để làm công việc này” - Tina Susman - hiện là phóng viên tờ Los Angeles Times, từng bị bắt làm con tin ở Somalia khi săn tin cho hãng AP - tin tưởng.
Thế nhưng, trả lời phỏng vấn năm 1962, nữ phóng viên Chapelle đã nhấn mạnh: “Chiến trường không phải là nơi chốn của phụ nữ”.
Đánh đổi cả mạng sống
Không phải mọi phóng viên chiến trường đều còn sống để kể về trải nghiệm của mình. Chẳng hạn, nhà báo Sharon Herbaugh của hãng tin AP đã thiệt mạng ở Afghanistan năm 1993, phóng viên Colvin của tờ Sunday Times chết vì một thiết bị gây nổ trong khi đưa tin về vụ phong tỏa TP Homs năm 2012… Nhiều người vẫn nhớ một trong những dòng cuối cùng trên Facebook của Colvin: “Tôi nghĩ rằng có thể các bản tin viết về sự sống sót của tôi đã được cường điệu lên”.
Năm 2013, nữ phóng viên chiến trường kỳ cựu của kênh Al-Ikhbariyah là Yara Abbas đã bị một tay súng bắn tỉa hạ sát cũng ở Homs. Ruqia Hassan, nữ phóng viên tự do ở Syria, bị phiến quân tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng hành quyết hồi tháng 9-2015…
Ngoài ra, bản báo cáo mới công bố của Tổ chức Đài Quan sát Nhân quyền cho thấy ít nhất 10 nữ nhà báo đã bị tra tấn, hành hạ dã man ở Syria.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 29-7
Bình luận (0)