Các tiền đồn quân sự kể trên nằm trong một phần kế hoạch xây dựng “xích tử thần” nhằm giúp Trung Quốc tăng cường sự hiện diện quân sự trên biển Đông, qua đó củng cố yêu sách chủ quyền phi lý ở hầu hết khu vực giàu tài nguyên và thủy sản này.
Trong trường hợp xảy ra chiến tranh, “xích tử thần” của Trung Quốc có thể xác định vị trí và theo dõi tàu đối phương, đặc biệt là tàu sân bay, sau đó tấn công và đánh chìm. Trên thực tế, các đảo nhân tạo này được xem như tàu sân bay trực chiến 24/24 và suốt 365 ngày một năm.
Tuy nhiên, theo tạp chí The Week, các tiền đồn này sẽ chỉ tồn tại được vài giờ nếu xảy ra xung đột thực sự.
Nằm cách Trung Quốc khoảng 1.190 km, Đá Chữ Thập là nơi đang được Bắc Kinh đầu tư quân sự nhiều nhất nhờ vị trí gần như ở giữa biển Đông. Ngoài ra, Bắc Kinh còn bồi đắp trái phép hàng loạt các bãi đá ngầm và đảo như Đá Châu Viên, Đá Gạc Ma và đảo Phú Lâm.
Năm 1988, khi chiếm được Đá Chữ Thập, quân đội Trung Quốc xây một pháo đài nhỏ có binh sĩ đồn trú, một bến tàu, bãi đáp trực thăng và một vài khẩu súng phòng không trên lô cốt bằng bê-tông. Đến năm 2011, nơi này trở thành một “trụ sở chỉ huy chính” và phát triển thành một “căn cứ quân sự” thực thụ, gồm cả nhà kính trồng rau củ để cung cấp cho binh sĩ.
Đầu năm nay, Philippines bắt đầu báo động về việc Trung Quốc mở rộng Đá Chữ thập. Từ diện tích nhỏ bé ban đầu 90 m x 90 m, chỉ trong vòng 3 tháng, Đá Chữ Thập đã được mở rộng lên tới 100.000 m2, với chiều rộng từ 200-300 m trong vòng 3 tháng, theo tạp chí quốc phòng IHS Jane's.
Diện tích này đủ để xây dựng một đường băng hoàn chỉnh dài 3 km, phục vụ được hầu hết máy bay của hải quân Trung Quốc. Sắp tới tại đây có thể xây thêm nhà chứa máy bay, cơ sở bảo dưỡng, doanh trại, bồn chứa nhiên liệu, hầm đạn dược và cảng nhân tạo để tiếp đón tàu dầu, tàu tiếp liệu và tàu hải quân. Đặc biệt, đường băng nêu trên sẽ thành nơi hoạt động của máy bay không người lái làm nhiệm vụ do thám trên biển.
Trong thời bình, các tiền đồn như Đá Chữ Thập giúp Trung Quốc giám sát biển Đông cũng như theo dõi các nước láng giềng đang tranh chấp lãnh thổ với mình. Chúng cũng tỏ ra hữu ích trong một cuộc chiến tranh lớn, đó là giúp đánh chìm một tàu lớn như tàu sân bay của Mỹ, trong trường hợp Trung Quốc lắp đặt các hệ thống tên lửa phòng không trên đảo.
Nhưng thời gian để chúng tồn tại khi xảy ra xung đột hết sức ngắn ngủi, chỉ tính bằng ngày nếu không muốn nói là giờ. Máy bay đối phương có thể dễ dàng xác định vị trí của hòn đảo để đánh bom trong khi nó không có khả năng di chuyển như tàu chiến hoặc tàu sân bay.
Ngay cả tàu ngầm tên lửa hành trình lớp Ohio USS Michigan, đang hoạt động trong Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, cũng thừa khả năng phá hủy căn cứ không quân trên Đá Chữ Thập trong vòng vài phút. Chỉ cần 10 tên lửa hành trình Tomahawk-D dội xuống, toàn bộ máy bay, radar, tháp điều khiển, kho chứa nhiên liệu… trên đảo sẽ tan tành xác pháo. USS Michigan trang bị đến 154 tên lửa Tomahawk. Hay đơn giản hơn, lực lượng đổ bộ của Mỹ lên đảo và lấy hết các tên lửa của Trung Quốc.
Bình luận (0)