Đây là trường hợp đầu tiên một quốc gia châu Âu đồng ý dẫn độ tội phạm về Trung Quốc. Nghi phạm được xác định là một phụ nữ họ Zhang, cựu nhân viên công ty chứng khoán tài chính ở tỉnh Hà Bắc. Từ năm 2000-2005, Zhang lợi dụng chức vụ để lừa đảo 1,4 triệu nhân dân tệ (226.000 USD) từ tài khoản của các khách hàng.
Tháng 10-2005, người phụ nữ này chạy sang Ý để trốn lệnh truy nã. Các công tố viên ở Thạch Gia Trang, Hà Bắc đã ban hành lệnh bắt giữ đối với họ Zhang về tội tham ô, đồng thời thông báo cho Tổ chức Cảnh sát hình sự Quốc tế (Interpol).
Đến tháng 10-2014, cảnh sát Ý bắt được Zhang và báo cho nhà chức trách Trung Quốc, yêu cầu Bắc Kinh hợp tác dẫn độ nghi phạm về nước theo quy định pháp luật của Ý.
Họ Zhang (phải) bị dẫn độ về Trung Quốc hôm 3-2. Ảnh: Tân Hoa Xã
Các quan chức tham nhũng Trung Quốc thường chọn Mỹ, Canada, Úc và một số nước châu Âu làm điểm đến khi bị chính quyền “sờ gáy”. Bắc Kinh đề ra chiến dịch “Săn cáo” nhằm vào giới tội phạm kinh tế bỏ trốn ra nước ngoài và tịch thu tài sản bất chính của họ.
Tính đến cuối tháng 12 năm ngoái, Bộ Công an Trung Quốc thống kê có 690 tội phạm kinh tế, bao gồm hơn 40 quan chức tham nhũng, bị dẫn độ về nước hầu tòa từ hơn 60 quốc gia và khu vực.
Cũng trong ngày 3-2, Tân Hoa Xã cho biết cảnh sát Na Uy đã ra lệnh trục xuất một học giả Trung Quốc làm việc tại Đại học Agder trước ngày 23-1 do lo ngại nghiên cứu của người này “có thể được sử dụng cho các mục đích quân sự ở quốc gia khác”.
Ông Ma Qiang, cố vấn chính trị của Đại sứ quán Trung Quốc tại Na Uy, nêu vấn đề với Bộ Ngoại giao Na Uy, nhấn mạnh việc học giả Trung Quốc bị trục xuất là “hoàn toàn vô căn cứ và không hợp lý”.
Quan hệ 2 nước bị đóng băng từ năm 2010 sau khi Ủy ban Nobel Na Uy trao giải Nobel Hòa bình cho Lưu Hiểu Ba, người đang chấp hành án phạt tù 11 năm ở Trung Quốc.
Bình luận (0)