Đây là cuộc thương lượng thứ hai về số phận ông Mugabe giữa lúc quân đội Zimbabwe nỗ lực tránh cáo buộc đã tiến hành đảo chính. Lần này, phái đoàn chính phủ Nam Phi không có mặt như tại cuộc gặp đầu tiên.
Giới chức Zimbabwe không tiết lộ chi tiết cuộc đối thoại nhưng xem ra quân đội muốn ông Mugabe tự nguyện từ chức để duy trì lớp vỏ hợp pháp bên ngoài trong giai đoạn chuyển tiếp chính trị này. Trong khi đó, ông Mugabe có thể sử dụng bất cứ đòn bẩy nào còn lại để nỗ lực bảo toàn di sản của mình hoặc thậm chí bảo vệ bản thân và gia đình thoát khỏi nguy cơ bị truy tố.
Cùng ngày, Ủy ban Trung ương Đảng Mặt trận yêu nước thống nhất quốc gia châu Phi Zimbabwe (ZANU-PF) cầm quyền nhóm họp để thông qua quyết định tước bỏ vị trí lãnh đạo đảng của ông Mugabe, người nắm quyền từ năm 1980 đến giờ. Đảng ZANU-PF đã tước chức chủ tịch đảng của ông và cho ông 24 giờ để từ bỏ chức tổng thống hoặc bị luận tội.
Ngoài ra, cuộc họp còn phục hồi vị trí phó chủ tịch đảng dành cho cựu phó tổng thống Emmerson Mnangagwa, nhân vật nhiều khả năng đứng đầu chính phủ mới. Ông Mnangagwa bị sa thải gần 2 tuần trước, khiến quân đội ra tay quản thúc ông Mugabe tại gia. Nếu không có động thái này, đệ nhất phu nhân Grace Mugabe nhiều khả năng thay thế ông làm phó tổng thống và là nhân vật sáng giá nhất kế nhiệm chồng mình.
Ủy ban Trung ương Đảng ZANU-PF họp ở Harare hôm 19-11 Ảnh: REUTERS
Việc luận tội ông Mugabe có thể là một bước đi khác nữa khi quốc hội hoạt động trở lại ngày 21-11. Nghị sĩ Innocent Gonese, thủ lĩnh nhóm nghị sĩ đối lập của Đảng Phong trào thay đổi vì dân chủ - Tsvangirai (MDC-T) ở quốc hội Zimbabwe, nói với hãng tin AP rằng nếu như ông Mugabe không ra đi trước ngày 21-11, tiến trình luận tội sẽ được xúc tiến. Ngoài ra, một hội nghị thượng đỉnh 4 quốc gia ở khu vực Nam Phi được tổ chức ở Angola vào ngày 21-11 để bàn tình hình Zimbabwe.
Trước đó, ngày 18-11, hàng trăm ngàn người dân thủ đô Harare đã xuống đường biểu tình phản đối ông Mugabe. Họ leo lên những chiếc xe tăng chạy chậm chậm qua các đám đông, tự chụp ảnh với các binh sĩ và hàng ngàn người kéo đến phong tỏa tòa nhà State House, biểu tượng quyền cai trị của ông Mugabe. Ngoài ra, hàng chục ngàn người tuần hành khắp các thành phố khác kêu gọi ông từ chức.
Bình luận (0)