Theo thống kê của Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn, tính đến 17 giờ ngày 20-8, bão số 3 đã làm chết 8 người ở Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Hòa Bình, Vĩnh Phúc và 3 người mất tích ở Lào Cai, Bắc Giang.
Thiệt hại nặng
Sau khi bão số 3 đổ bộ chiều 19-8, dù không gây thiệt hại nhiều ở khu vực đồng bằng nhưng hoàn lưu bão đã gây mưa lớn, nước sông, suối ở các tỉnh miền núi phía Bắc dâng cao gây ngập lụt và thiệt hại nặng nề.
Tại tỉnh Phú Thọ, chiều 20-8, anh Lê Vinh Hậu (SN 1974; ngụ phường Trường Thịnh, thị xã Phú Thọ) đã bị nước cuốn trôi khi đang vớt củi trên sông.
Dù mưa to, anh Hậu cùng một số người dân vẫn liều mình bơi ra sông. Do đuối sức và vào vùng nước xoáy nên anh bị nhấn chìm, nhiều người nhìn thấy nhưng không kịp cứu. Khu vực xảy ra vụ việc cách nhà nạn nhân khoảng 500 m. Bất chấp khuyến cáo của chính quyền địa phương, nhiều người dân phường Trường Thịnh, Phong Châu, xã Hà Thạch… (nằm sát sông Hồng) vẫn ra sông để vớt củi.
Trong khi đó, bà Phạm Thị Thanh Trà, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái, cho biết từ đêm 19 đến sáng 20-8, ở các khu vực trong tỉnh tiếp tục xảy ra mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 50-100 mm. Lũ trên sông Thao lên nhanh và đã vượt báo động 3.
Nhiều tuyến đường giao thông trọng yếu trong trung tâm TP Yên Bái bị chia cắt do ngập lụt. Hơn 1.700 căn nhà bị thiệt hại; trong đó có 7 nhà bị sập đổ hoàn toàn, hơn 700 căn bị ngập, tốc mái. Người dân phải di dời khẩn cấp ra khỏi khu vực nguy hiểm ngập lụt, sạt lở đất.
Có 2 người chết do sạt lở đất là vợ chồng ông Hờ Sông Dinh (72 tuổi) và bà Sùng Thị Mỷ (70 tuổi, người dân tộc Mông) cùng một người khác bị thương, đều ở xã Làng Nhì, huyện Trạm Tấu.
Ngoài ra, hơn 1.000 ha nông nghiệp bị hư hại; nhiều diện tích nuôi trồng thủy sản và gia súc, gia cầm bị lũ cuốn trôi. Tại huyện Trấn Yên, một số tuyến đường liên thôn bị ngập gây ách tắc giao thông tại các xã: Đào Thịnh, Cổ Phúc, Nga Quán, Minh Quân, Y Can.
Tại huyện Trạm Tấu, tuyến đường Trạm Tấu - Nghĩa Lộ bị sạt lở 5 điểm gây ách tắc giao thông. Ước tính thiệt hại khoảng 100 tỉ đồng
Còn ở tỉnh Lào Cai, sáng 20-8, mưa lớn đã khiến hơn 30 nhà dân ở các xã Thanh Kim, Trung Chải, huyện Sa Pa bị tốc mái; 16 căn nhà thuộc tổ 3, thị trấn Sa Pa bị ngập úng. Năm cột điện đổ gây mất điện tại các xã Tả Van, Hầu Thào, Thanh Kim, San Sả Hồ và Tả Phìn. Mưa lũ đã cuốn trôi một cây cầu sắt và một cây cầu dân sinh tại xã Tả Van, khiến hơn 30 hộ dân của thôn Dền Thàng bị cô lập.
Ông Quảng Văn Việt, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lào Cai, cho hay qua thống kê sơ bộ, mưa lũ khiến gần 300 nhà bị sập đổ, tốc mái, sạt lở, ngập nước. Hàng trăm ha hoa màu bị thiệt hại, trâu bò, xe máy bị cuốn trôi.
Quốc lộ 4, Quốc lộ 4D, Quốc lộ 279; Tỉnh lộ 151, 152, 155 , 158 sạt lở, gây ách tắc giao thông nghiêm trọng. Ước tổng thiệt hại trên 60 tỉ đồng.
Nhiều nơi vẫn chủ quan
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai diễn ra sáng 20-8 tại Hà Nội, đánh giá chung cho thấy các địa phương ven biển cơ bản đã quyết liệt sơ tán dân. Tuy nhiên, tại một số khu vực vẫn còn tư tưởng chủ quan, để người dân ngoài khu vực nuôi trồng thủy sản ven biển.
Các tỉnh miền núi phía Bắc mới chỉ có phương án, kế hoạch, chưa tổ chức sơ tán, di dời dân trong khu vực nguy hiểm do lũ quét và sạt lở đất đến nơi an toàn.
Ông Nguyễn Xuân Cường, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, đề nghị các địa phương theo dõi sát diễn biến mưa lũ sau bão, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng về ứng phó mưa lũ sau bão số 3.
Ông Cường cũng đề nghị các tỉnh miền núi phía Bắc, các tỉnh Bắc Trung Bộ tiếp tục rà soát, sơ tán dân ở những khu vực nguy hiểm có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt.
“Ngoài ra phải bố trí lực lượng canh gác tại các ngầm, tràn, bến đò, khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, nước chảy siết để kiểm soát, hướng dẫn giao thông bảo đảm an toàn cho người dân” - ông Cường nhấn mạnh.
Cảnh báo nguy cơ sạt lở vùng núi
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương cảnh báo đêm 20 và sáng 21-8, nguy cơ cao xảy ra ngập úng ở vùng trũng thấp thuộc tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, đặc biệt trên địa phận huyện Hạ Hòa (Phú Thọ) và TP Yên Bái.
Ngập úng ở vùng trũng và sạt lở đất có khả năng xảy ra tại các tỉnh ở vùng núi phía Bắc và khu vực Bắc Trung Bộ, đặc biệt một số tỉnh như: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ và Thanh Hóa.
Bình luận (0)