Sáng 12-5, tại Hà Nội, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam đã tổ chức họp báo, cung cấp thông tin sau 4 tháng triển khai Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT.
“Đẻ” nhiều thủ tục phiền hà
Theo ông Vũ Xuân Bằng, Phó trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam), nếu như đến hết năm 2014, cả nước có gần 64,5 triệu người tham gia BHYT (chiếm 71,6% dân số) thì đến hết tháng 3-2015, chỉ còn hơn 63,2 triệu người tham gia. Ước tính, giảm 1,2 triệu người có thẻ BHYT so với cùng kỳ năm 2013.
Đối tượng tham gia BHYT giảm nhiều nhất là nhóm người phải tự bỏ tiền mua thẻ trong các hộ gia đình với tỉ lệ giảm 15%. Điều này bắt nguồn từ việc Luật BHYT sửa đổi có quy định từ ngày 1-1-2015, những người tự bỏ tiền mua thẻ phải tham gia theo hộ gia đình.
Ông Bằng khẳng định Luật BHYT sửa đổi không làm khó người dân mà do một bộ phận người thực hiện và chính quyền địa phương chưa hiểu hết các quy định của luật. BHXH Việt Nam đã nhận được nhiều thông tin phản ánh việc mua thẻ BHYT theo hộ gia đình phức tạp, nhiều thủ tục khiến người dân bức xúc.
“Đơn cử như việc người dân phải chứng minh sự tham gia BHYT của từng thành viên gia đình bằng việc photocopy thẻ của người đã tham gia; xác minh tạm vắng đối với người đang công tác, du học, làm việc ở nước ngoài; xác nhận tạm vắng đối với người có hộ khẩu hoặc đăng ký tạm trú tại thành phố nhưng chuyển đến nơi khác làm việc, sinh sống… Vì muốn chắc ăn nên một số địa phương đã đưa ra nhiều yêu cầu khiến nhiều người không thể tham gia BHYT được.” - ông Bằng dẫn chứng.
Mua thẻ không cần giấy tờ chứng minh
Theo ông Bằng, những người tham gia BHYT hộ gia đình chỉ tự khai theo mẫu có sẵn tại cơ quan bảo hiểm mà không cần bất cứ giấy tờ gì chứng minh. Sau đó, các đại lý bán bảo hiểm sẽ có trách nhiệm tập hợp các tờ khai rồi chuyển tới UBND xã, phường xác nhận. Người kê khai chịu trách nhiệm về bản khai. Trường hợp kê khai không đúng, trong quá trình hậu kiểm sẽ phát hiện và xử lý, thậm chí thu hồi thẻ.
Ông Bằng cho rằng quy định mua thẻ BHYT theo hộ gia đình không gây khó khăn cho người dân. Vì thông thường, một hộ gia đình có nhiều đối tượng (trẻ dưới 6 tuổi, người già, công nhân, viên chức…) đã được hỗ trợ mua thẻ BHYT, do đó chỉ còn 1-2 người tham gia BHYT tự nguyện, không phải là gánh nặng kinh tế cho gia đình. Tuy nhiên, để người dân hiểu hơn về quy định mới nên từ giữa tháng 3-2015, BHXH Việt Nam tạm lùi thời gian thực hiện quy định này.
Những đối tượng đã tham gia BHYT mà nay vẫn tiếp tục thì sẽ được cấp thẻ có thời hạn sử dụng đến hết ngày 31-12-2015. Với những người tham gia BHYT lần đầu trong năm 2015 mà đã đóng tiền và được cấp thẻ thì thẻ này chỉ có giá trị sử dụng trong 3 tháng. Từ ngày 1-1-2016 trở đi, những người có tên trong sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú, tạm vắng bắt buộc phải tham gia BHYT theo hình thức hộ gia đình. Khi tất cả thành viên hộ gia đình tham gia BHYT sẽ được giảm dần mức đóng từ thành viên thứ hai trở đi.
“Bắt buộc mua thẻ BHYT theo hộ gia đình nhằm giúp người dân có trách nhiệm bảo hiểm sức khỏe, dành dụm chi trả khi ốm đau. Thực tế, có những bệnh nhân đang được BHYT chi trả 700-800 triệu đồng, thậm chí 1,4 tỉ đồng chi phí khám chữa bệnh trong khi mức đóng BHYT 1 năm chỉ hơn 600.000 đồng” - ông Bằng nói.
Theo ông Lê Văn Khảm, Phó Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế), nhiều người lao động tự do cho biết họ tham gia BHYT tại địa phương nhưng lại đi làm ăn nơi khác nên rất khó khám chữa bệnh đúng tuyến. Do đó, người lao động tự do nên đăng ký tạm trú lại. Khi đó có thể mang thẻ BHYT để đi khám tại cơ sở y tế tương đương nơi đăng ký tạm trú. Còn những trường hợp khám chữa bệnh bất ngờ, không được thanh toán BHYT thì có thể đề nghị cơ sở y tế cung cấp đủ giấy tờ về trình cơ quan BHXH địa phương để thanh toán theo quyền lợi.
Không chi trả cho bệnh nhân khám trái tuyến
Ông Phạm Lương Sơn, Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT, cho biết quỹ BHYT không thanh toán các chi phí xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, dịch vụ kỹ thuật… tại phòng khám bệnh đối với người bệnh đến bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến trung ương khám ngoại trú không đúng tuyến mặc dù sau đó bệnh nhân có chỉ định nhập viện điều trị nội trú. Những bệnh nhân được cơ sở khám chữa bệnh BHYT chuyển tuyến đến cơ sở khám chữa bệnh khác để thực hiện xét nghiệm hay chẩn đoán hình ảnh do không có trang thiết bị cũng sẽ không được thanh toán chi phí.
Bình luận (0)