Trong đó, 6 người chết do bị nước cuốn (ở Ba Đình, Đống Đa, Từ Liêm, Mỹ Đức, Chương Mỹ và Mê Linh); 2 người bị sét đánh (ở Đông Anh và Mê Linh); 4 người chết đuối (Chương Mỹ: 1 người chưa tìm thấy xác, Mê Linh: 2 trẻ em, Thạch Thất: 1 trẻ em); 4 người bị điện giật (Chương Mỹ: 3 người, Hoài Đức: 1 người) và 2 người chết ngạt trong ô tô khi bị ngập nước ở Khương Mai và Thanh Xuân.
Nhiều bệnh viện bị cô lập
Chiều 2-11, ông Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và Môi trường - Bộ Y tế, cho biết trận mưa lũ lịch sử đã khiến Hà Nội phải đối mặt với nhiều dịch bệnh nguy hiểm đang bùng phát, như: tiêu chảy, sốt xuất huyết, đau mắt đỏ, ngộ độc, các bệnh ngoài da. Đáng ngại nhất là các bệnh về đường tiêu hóa do người dân phải sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm. Tại rất nhiều khu vực trên địa bàn TP Hà Nội, nước sông, hồ, kênh, rạch và nước thải tràn lên hòa vào các bể nước ngầm của người dân, khiến nguồn nước sạch bị ô nhiễm nghiêm trọng. Nếu sử dụng nguồn nước này để sinh hoạt thì nguy cơ người dân bị mắc bệnh tiêu chảy rất cao. Thêm nữa, có nguy cơ sốt xuất huyết bùng phát thành dịch lớn ở Hà Nội. Trận mưa lịch sử đã khiến nhiều bệnh viện bị cô lập, thậm chí có nơi phải đưa bệnh nhân lên điều trị tạm thời ở các tầng bên trên do nước tràn vào tầng 1. Hệ thống cấp cứu bệnh nhân 115 của Hà Nội cũng bị tê liệt do mọi tuyến đường trong TP đều bị ngập sâu.
Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho biết ở các huyện Chương Mỹ, Hoài Đức, Mỹ Đức, Thạch Thất và một số điểm ở Từ Liêm, Thanh Trì, Đông Anh đến tối 2-11 vẫn còn ngập nặng; nhiều tuyến phố ngập rất sâu như Giáp Bát, Nguyễn Chí Thanh, Huỳnh Thúc Kháng, Thành Công... “Những ngày tới đây, vấn đề quan trọng nhất là xử lý môi trường và phòng chống dịch bệnh sau mưa lụt. Các hộ dân trong khu vực ngập úng nặng sẽ được phát Cloramine B miễn phí để làm sạch môi trường, vệ sinh nguồn nước...” - ông Tuấn nói.
Chợ cóc mọc như nấm Cùng ngày, UBND TP Hà Nội đã có cuộc họp khẩn cấp bàn biện pháp đối phó với tình hình mưa lũ kéo dài và khắc phục hậu quả. UBND TP đã chỉ đạo các sở Công Thương, Y tế cung cấp lương thực, thực phẩm, thuốc men... cho người dân các điểm bị ngập úng; Sở NN-PTNT chuẩn bị giống cây trồng để người dân khôi phục sản xuất khi nước rút... Trên địa bàn Hà Nội vẫn còn nhiều điểm úng ngập lớn gây nhiều khó khăn cho đời sống người dân. Kéo theo lụt lội là giá cả các loại thực phẩm ở Hà Nội tăng chóng mặt. Tại các chợ trong nội thành, giá nhiều loại rau tăng gấp 5- 10 lần ngày thường. Rau muống được bán với giá từ 15.000- 30.000 đồng/mớ; su hào: 7.000 đồng - 10.000 đồng/củ... Thịt heo cũng bị đẩy giá lên tới 160.000 đồng - 180.000 đồng/kg, thịt gà: 120.000 đồng/kg, thịt bò: 150.000 đồng/kg. Những ngày nay, nhiều chợ cóc cũng mọc lên như nấm ở khắp các con phố tại Hà Nội để đáp ứng nhu cầu của người dân không thể tới được các chợ, siêu thị để mua sắm thực phẩm do đường sá ngập úng. |
Bình luận (0)