Ngày 30-5, Thượng tá Nguyễn Trọng Thái, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát Môi trường (CSMT)-Công an (CA) tỉnh Hải Dương cho biết, khoảng 23 giờ ngày 27-5, đơn vị này nhận được thông báo lực lượng CSGT tỉnh Hải Dương vừa phát hiện xe ô tô tải loại nhỏ biển kiểm soát 14C-06538 đang trên đường lưu thông từ sân bay Nội Bài về tỉnh Quảng Ninh, chở hơn 2 tấn bạch tuộc tươi sống, không có giấy chứng nhận kiểm dịch, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Ngay sau đó, đội 4, Phòng CSMT đã có mặt, đưa xe ô tô cùng hàng hóa về lưu giữ tại bãi lưu giữ phương tiện vi phạm hành chính của Công ty TNHH Trường Giang - số 57 đường Ngô Quyền, TP Hải Dương để làm rõ.
Theo lái xe Nguyễn Quang Hưng, khi về đến bãi giữ xe, anh Hưng có yêu cầu lập biên bản tạm giữ phương tiện, hiện trạng hàng hóa, nhưng đã không được chấp nhận. Quá trình làm việc tại trụ sở Phòng CSMT, Trung tá Thịnh, Đội trưởng đội 4, vẫn không lập biên bản tạm giữ phương tiện, không ghi hiện trạng hàng hóa nên anh Hưng đã không ký vào biên bản nội dung làm việc.
Đến khoảng 4 giờ ngày 28-5, Trung tá Thịnh đã yêu cầu anh Hưng ký vào biên bản làm việc và nhận lại phương tiện cùng hàng hóa nhưng anh Hưng không đồng ý vì biết toàn bộ số bạch tuộc đã bị chết, phân hủy do không được “chăm sóc” theo quy trình. Theo anh Hưng, thời điểm chiếc xe ô tô do anh Hưng điều khiển cùng lô hàng bị “tuýt còi”, cũng có 1 xe ô tô tải chở lô hàng thủy sản tương tự đã bị ách lại nhưng ít phút sau, chiếc xe kia đã được cho đi ngay.
Trong khi đó, làm việc với báo Người Lao Động, Thượng tá Nguyễn Trọng Thái lại cung cấp một biên bản viết tay do Trung tá Thịnh lập hồi 1 giờ 30 ngày 28-5 (thời điểm số bạch tuộc còn sống) với nội dung yêu cầu lái xe phải có nghĩa vụ bảo quản lô hàng.
Điều đáng nói là dù không có biên bản, quyết định trả xe, trả phương tiện nhưng lực lượng CSMT lại bắt người dân bảo quản hàng hóa trong khu vực do lực lượng CA thuê đơn vị khác trông coi, quản lý.
Theo đại diện các hộ dân, tại Thông tư số 32, ngày 20-7-2012, của Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bạch tuộc không nằm trong danh mục hàng phải kiểm dịch. Hơn nữa, Thông tư 32 còn quy định rõ cơ quan kiểm dịch chỉ tiến hành kiểm dịch thủy sản đối với những lô hàng có xuất xứ từ những vùng có dịch bệnh. Thời điểm hiện tại, TPHCM, nơi xuất xứ lô hàng chưa được xác định công bố có dịch bệnh.
Dù vậy, lãnh đạo Phòng CSMT vẫn một mực khẳng định lô hàng bạch tuộc thiếu giấy chứng nhận kiểm dịch, cần phải xác minh nguồn gốc, nếu không phải đưa trở lại nơi xuất phát để thực hiện kiểm dịch trước khi lưu thông, tiêu thụ.
Sự việc cứ thế nhùng nhằng đến chiều muộn ngày 30-5 vẫn chưa được ngã ngũ. Trong khi đó, hơn 2 tấn thủy sản tươi sống đã phân hủy bốc mùi nồng nặc tại bãi lưu giữ phương tiện.
Bình luận (0)