“Hành quân Lam Sơn 719” hay “Chiến dịch đường 9 Nam Lào” được xem là bước ngoặt mang tính chiến lược trong cuộc chiến tranh cách đây hơn 40 năm. Ngày nay, từ Quốc lộ 9, Quảng Trị đã được kết nối với Lào, Thái Lan, Myanmar trên con đường xuyên Á, hình thành nên tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây.
Từ cuộc hành quân của ngài cố vấn...
Ngày 7-1-1971, Bộ Chỉ huy viện trợ quân sự Mỹ tại Việt Nam (MACV) nhận được lệnh lập kế hoạch chi tiết cho cuộc tấn công vào các khu căn cứ 604 và 611 của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Phần chiến dịch do Mỹ thực hiện mang tên Dewey Canyon II (trận Khe Sanh năm 1969 là Dewey Canyon I) để giữ bí mật. Phần của quân đội Việt Nam Cộng hòa được đặt tên Lam Sơn 719 (ghép từ năm 1971 và Đường 9 - trục chính của cuộc tấn công).
Chiến dịch Dewey Canyon II bắt đầu vào ngày 30-1-1971. 20.000 quân Việt Nam Cộng hòa vượt biên giới vào đất Lào theo đường 9 hướng về Sê Pôn, tỉnh Savanakhet. Các hồ sơ giải mật của chính phủ Mỹ công bố sau chiến tranh tiết lộ: Cuộc hành quân đánh qua Lào hoàn toàn do giới dân sự trong Nhà Trắng thúc đẩy. Một trong những tác giả là cố vấn an ninh quốc gia Henry Kissinger.
Theo hồi ký của H. R. Haldeman, tham mưu trưởng Nhà Trắng thời Tổng thống R. Nixon, “sau cuộc hành quân đánh qua Campuchia vào tháng 5-1970, Kissinger đề nghị tiếp tục đánh qua Lào để phá hủy những căn cứ hậu cần bên đó. Nhưng cuộc hành quân đánh qua Lào vào năm 1971 có một ý nghĩa chính trị vì gần kề năm bầu cử tổng thống Mỹ nhằm không tạo lý do để lực lượng phản chiến biểu tình chống đối trước bầu cử. Đây là một chiến thuật chính trị khá độc đáo của ngài cố vấn!”.
Tuy nhiên, kế hoạch này không nằm ngoài dự đoán của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tại cuộc họp Quân ủy trung ương ngày 20-6-1970, Đại tướng tiên liệu: Sắp tới, địch sẽ tập trung đánh phá vùng Trung - Hạ Lào, Đông Bắc Campuchia, không chỉ bằng không quân mà có thể là những cuộc tiến công binh chủng hợp thành quy mô lớn. Hướng tiến công chủ yếu có khả năng sẽ là khu vực đường 9 - Nam Lào… Đại tướng đã vào làm việc trực tiếp với Bộ Tư lệnh Trường Sơn chuẩn bị lực lượng và các phương án tác chiến.
Các tài liệu nước ngoài và của những cựu sĩ quan Việt Nam Cộng hòa vẫn cho rằng quân đội Sài Gòn đã tiến được đến Sê Pôn, nằm sâu trong lãnh thổ Lào trên 42 km, lùng sục mấy ngày rồi rút quân theo chỉ thị của các cấp thẩm quyền để hoàn thành nhiệm vụ chính trị rồi tuyên bố chiến thắng.
Cặp cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (Quảng Trị) - Densavan (tỉnh Savanakhet - Lào) trên Quốc lộ 9
Trong hồi ký “Đường xuyên Trường Sơn”, tướng Đồng Sỹ Nguyên cung cấp những thông tin ngược lại: “Ngày 18-2, đúng vào lúc ta và địch đang giành giật nhau từng mỏm đồi, khe cạn... tại Bản Đông, Sê Pôn thì đài AFP đưa tin: Quân Việt Nam Cộng hòa đã chiếm được huyện lỵ Sê Pôn. Và đúng tối 19-2-1971, Đài Tiếng nói Việt Nam đã phát đi lời của đồng chí Bun Đi - Chủ tịch huyện Sê Pôn - rằng địch bị “đo ván” trong cuộc khẩu chiến này. Sau đêm hôm đó, cả đài Sài Gòn và AFP không thấy nói gì đến Sê Pôn, đường 9 nữa…”.
Nhiều năm sau khi kết thúc chiến tranh, Việt Nam đã thống nhất 2 miền nhưng vết thương vẫn còn dai dẳng trong ký ức nhiều người Mỹ. Con đường Hồ Chí Minh và đường 9 đã được nhiều nhà văn, nhà báo và cựu binh Mỹ coi như “con đường máu”. John Prados là một trong số đó khi ông viết cuốn “The Blood Road” ấn hành tại New York vào năm 1988. Con đường ấy được mô tả như một biểu tượng thất bại của những tham vọng nối tiếp nhau bên kia Thái Bình Dương, từ chiến dịch Khe Sanh đến hành quân Lam Sơn 719.
... Đến xứ sở “vàng đen”
Nhiều người Quảng Trị lớn tuổi nói về con đường từ Đông Hà qua Cam Lộ, Tân Lâm, Khe Sanh, Lao Bảo là con đường hồ tiêu hay xứ sở “vàng đen” ở miền Trung Việt Nam. Không ít tư liệu lịch sử đã nhắc đến Quảng Trị như một nhánh trong con đường hồ tiêu xuyên qua biển từ Ấn Độ Dương đến Trung Cận Đông và châu Âu từ thời La Mã và kéo dài cho đến khi chế độ thực dân phương Tây bị phá sản.
Dọc các địa danh trên, trong thời Pháp thuộc, đã có nhiều chủ đồn điền là người Pháp ở Huế ra làm chủ. Các tác giả Eugene Teston và Maurice Percheron trong cuốn “L’Indochine Moderne” (Librairie de France, Paris, 1931) từng mô tả có con đường ô tô chạy từ Đà Nẵng đến Lao Bảo, Sê Pôn với những chuyến xe thư, hàng hóa, du khách và đặc biệt là khối lượng lớn hồ tiêu. Tuyến đường này theo một tác giả viết về lịch sử các nhà lao thực dân ở Đông Dương giai đoạn 1862-1940 cho biết đã được xây dựng từ năm 1896.
Và con đường hồ tiêu ấy nay đã hồi sinh sau những năm tháng chiến tranh liên miên, tạo cho người dân Quảng Trị một nguồn thu giá trị, được ví là “vàng đen”. Toàn tỉnh Quảng Trị hiện nay đã có hơn 2.500 ha hồ tiêu, chủ yếu trồng tập trung ở các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ và Hướng Hóa.
Với những vườn cao su, hồ tiêu trù phú dọc Hành lang kinh tế Đông Tây và một khu thương mại tự do Lao Bảo kết nối 2 vùng Đông Tây dãy Trường Sơn, người dân ở đây chắc chắn sẽ mở ra thời kỳ phồn thịnh từng bị ngắt quãng trong thời gian dài vì bom đạn chiến tranh.
Kỳ tới: Gặp đồng hương trên đường Xuyên Á
Bình luận (0)