Sáng 23-5, Quốc hội (QH) thảo luận tại tổ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017; cho ý kiến đối với Nghị quyết của QH về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017.
Kiến nghị chính sách đặc thù cho TP HCM
Tham gia thảo luận, ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TP HCM, cho biết Thành ủy TP HCM sẽ kiến nghị để có nghị quyết của QH về chính sách, cơ chế đặc thù đối với TP. Kiến nghị này được trình ở kỳ họp QH vào tháng 10 năm nay.
Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, cơ chế này sẽ tăng tính chủ động và tự chịu trách nhiệm của TP HCM, phát huy tốt tất cả tài nguyên trên địa bàn để phục phát triển; tăng trách nhiệm và đóng góp của TP cho phát triển vùng, khu vực, tăng ngân sách cho trung ương. Đây là chính sách đặc thù nhưng tổng thể sẽ góp phần phát triển tốt hơn cho đất nước.
Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ trong ngày họp 23-5 Ảnh: TTXVN
Cho ý kiến thêm về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017, đại biểu (ĐB) Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP HCM) nhận định cách làm luật hiện nay không chủ động. Đề nghị QH cần xem xét lại quy trình làm luật của QH, nên tính toán đến việc có một cơ quan chuyên trách để làm việc này. Tránh tình trạng bị động trong kế hoạch, chương trình làm luật.
ĐB Lê Thị Nga (Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH) cũng cho rằng kỷ luật, kỷ cương trong trình dự án luật có một số vấn đề chậm khắc phục. Trong kiến nghị cử tri xem xét chất lượng ban hành dự án luật có việc nợ văn bản ban hành, còn nể nang. Theo bà Lê Thị Nga, trước hết phải đạt trình tự thủ tục, nếu trình tự không bảo đảm thì chất lượng sẽ không bảo đảm.
Theo ĐB Nguyễn Phước Lộc (TP HCM), vấn đề kỷ cương của làm luật chưa tốt, còn tình trạng "đưa vào - rút ra", gây lãng phí rất lớn, cử tri và cả ĐB cũng bức xúc. "Tôi kiến nghị hằng năm, các cơ quan chủ trì soạn thảo xây dựng luật, pháp lệnh phải báo cáo QH những cơ quan nào còn nợ văn bản quy phạm pháp luật" - ĐB Lộc nói.
Truy trách nhiệm người gây ra nợ xấu
Thảo luận về dự thảo Nghị quyết xử lý nợ xấu, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) cho rằng dự thảo bổ sung cho kỳ họp này quá gấp, chưa được nghiên cứu kỹ, đặc biệt là vấn đề tháo gỡ nợ xấu. "Dư luận lo ngại việc này sẽ làm một số người thoát trách nhiệm. Nhà nước phải gánh mấy chục ngàn tỉ đồng từ ngân sách, từ tiền của dân thì không hợp lý. Những tổn thất này cần được đánh giá rõ ràng" - ĐB Nghĩa nêu.
Cũng theo ĐB Nghĩa, nợ xấu gây tổn thất lớn cho xã hội nhưng thời gian qua, cả phía ngân hàng, cổ đông lẫn cơ quan nhà nước đã có những quyết định gây tranh cãi. Nghị quyết về xử lý nợ xấu là đúng nhưng làm sao để nhân dân và cử tri đừng hiểu rằng sẽ vô tình làm cho những người liên quan thoát trách nhiệm.
Trong dự thảo Nghị quyết xử lý nợ xấu có một số nội dung đáng chú ý, như: đưa ra nguyên tắc, giá bán nợ và giá bán tài sản bảo đảm phản ánh giá trị thị trường tại thời điểm xử lý; giá đó có thể cao hoặc thấp hơn giá trị của khoản nợ trước đây. Quan trọng hơn, người bán theo đúng quy định pháp luật, kể cả việc bán thấp hơn giá ghi số thì người bán không phải chịu trách nhiệm. Dự thảo cũng mở rộng đối tượng được mua nợ xấu từ Công ty Quản lý tài sản (VAMC) bao gồm pháp nhân, cá nhân không có chức năng mua, bán nợ.
ĐB Nguyễn Minh Đức (TP HCM) đề nghị: "Nghị quyết này phải xác định rõ phạm vi giải quyết nợ xấu từ ngày 31-12-2016 trở lại và chỉ tồn tại trong 5 năm. Nếu không sẽ có một bộ phận trong các ngân hàng, tổ chức tín dụng tiếp tục gây ra nợ xấu và dựa vào văn bản này để giải quyết. Song hành với nghị quyết này phải có cơ chế siết chặt trách nhiệm của những tổ chức để xảy ra tình trạng nợ xấu.
Ông Nguyễn Thiện Nhân làm Trưởng Đoàn ĐBQH TP HCM
Sáng 23-5, Đoàn ĐBQH TP HCM đã có buổi họp kín để bầu trưởng Đoàn ĐBQH của TP HCM. Qua bỏ phiếu, 100% ĐB đã đồng ý bầu ông Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Bí thư Thành ủy TP HCM - làm Trưởng Đoàn ĐBQH TP HCM.
Bình luận (0)