Dĩ An ngày 8-9-2011
Gởi con thương yêu,
Ba hy vọng không thể mất con, không khí ảm đạm sẽ xua tan một ngày gần đây và hạnh phúc sẽ trả lại cho gia đình mình. Ba nghĩ con không thể là một đứa con hư, con phải là một đứa con ngoan hiền và có hiếu, là một công dân tốt cho xã hội.
Ba kể cho con nghe chuyện về đức Khổng tử. Ngày xưa mỗi lần hư hỏng, ông đều phải nằm cho mẹ đánh, nhưng không lần nào ông khóc. Về sau, một lần nọ ông cũng bị mẹ đánh nhưng lần này ông lại khóc và khóc rất nhiều. Mẹ hỏi: “Sao bao nhiêu lần mẹ đánh con không khóc. Lần này con lại khóc”. Ông bảo: “Lần này mẹ đánh không còn đau như những lần trước tức mẹ đã già yếu rồi, sức khỏe không còn nữa- thương mẹ mà con khóc”. Đó là câu chuyện nói về chữ hiếu of ông.
Con hãy đọc chữ “HIẾU” của Quan thế âm bồ tát: Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ. Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha. Nước biển mênh mông không đong đầy tình mẹ. Mây trời lồng lộng không phủ kín công cha. Tần tảo sớm hôm mẹ nuôi con khôn lớn. Mang cả tấm thân gầy cha mẹ chở đời con. Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc. Đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không.
Mẹ con đã khóc, khóc rất nhiều con có biết? Những giọt nước mắt lăn dài trên mặt mẹ, ba nghe nghẹn đắng trong lòng. Ba thương mẹ con nhiều lắm, hơn nữa cuộc đời hy sinh cho chồng con để vun đắp cho hạnh phúc gia đình, nhưng giờ đây hạnh phúc gần như sụp đổ, tiến cười vui rộn ràng trước đây bây giờ thay bằng nước mắt.
Gia đình mình vì đâu nên nỗi? Tột cùng đau xót ba cũng cố đi tìm rõ nguyên nhân…
Phải chăng do giáo dục?
Có lẽ con không quên mấy năm về trước lúc con còn nhỏ, mỗi tuần vào sáng thứ hai ba có tổ chức họp gia đình: gồm ba, mẹ, anh hai, chị ba, con và thường có ông Tám.
Ba nêu ra ưu khuyết điểm từng thành viên, nào là phải ngoan ngoãn lễ phép biết đi thưa về trình, biết yêu thương ông bà cha mẹ, kính trọng người lớn tuổi v.v... và sau đó phải biết chăm lo học hành, siêng năngv.v...
Khoảng thời gian ấy ba vẫn không quên, gia đình mình ngập tràn hạnh phúc, con cái đứa nào cũng học hành giỏi giang, ngoan hiền lễ phép, anh hai, chị ba và con chưa một ngày học thêm. Đạo đức trong học bạ, sổ liên lạc chưa bao giờ có chữ khá trở xuống...
Ngày anh hai đậu vào ĐHBK ba có tổ chức một buổi tiệc mừng, mời một số anh em thân quen đến dự ai nấy cũng khen: “Con cái học giỏi và ngoan ngoãn quá”.
Trong video clip mang tựa “Dấu ấn gia đình”, cảnh đầu tiên, ba bố trí là quay bàn thờ ông nội. Ba cùng anh hai, chị ba, và con mỗi người đều đốt một cây nhang lên bàn thờ ông nội. Trong đoạn đầu này có lồng bài nhạc “Công đức sinh thành”. Mỗi lần xem lại đều thấy cảm động.
Hôm ấy con mặc bộ quần áo khỉ rất dễ thương. Hôm ấy chú C và bác HA khen anh hai và khen ba là người đặc biệt quan tâm đến con cái.
Nói đến chuyện xài tiền của nhà mình thì hầu như ba không dạy. Các chất của nhà mình là “không biết xài tiền” – Anh hai thời học phổ thông không bao giờ trong túi có tiền. Còn chị ba thì không bao giờ xin tiền, mỗi lần ba cho thì bảo “ba cất đi, con còn tiền”.
Ba nhận thấy con cũng là người không phá tiền. Con tiêu vẫn chừng mực nhưng ba buồn vì con xin tiền để ném vào tiệm net. Cứ mỗi lần con xin tiền (mặc dù ít thôi) thì ba nghe như rằng con đã tự ý tuộc khỏi vòng tay của ba mẹ.
Khi cây con còn nhỏ ta phải có thanh cây chắc chắn để buộc cây con vào mà bảo vệ. Khi nào cây con đủ lớn là cứng cáp thì bỏ thanh cây bảo vệ ra – cũng như con bây giờ còn non lắm ba mẹ không thể bỏ con phong ba, bão tố sẽ quật đổ con ngay.
Qua Nhật ký "Ai cứu được con tôi?" chúng tôi rất mong nhận được những chia sẻ, đóng góp ý kiến từ hoàn cảnh thực tế, kinh nghiệm quý báu trong việc giáo dục con cái của bạn đọc trước sức quyến rũ và ảnh hưởng tiêu cực của thế giới game qua email: online@nld.com.vn. Xin chân thành cảm ơn! |
Bình luận (0)