Trong lúc cơ quan chức năng còn băn khoăn về cách phân chia số vàng do chị Phạm Tuyết Mai (35 tuổi, quê xã Tân Dân, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau) nhặt được thì chị Nguyễn Thị Bích Ngân (31 tuổi, ngụ khóm 7, phường 8, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau) xuất hiện, yêu cầu làm rõ có phải đó là số vàng của mình từng trình báo mất cách đây hơn 1 năm hay không. Đến đây, lại nảy sinh nhiều vấn đề pháp lý và đạo lý phức tạp, nếu số vàng đó đích thực là của chị Ngân.
Theo Thạc sĩ luật Huỳnh Văn Út (thẩm phán TAND TP Cà Mau), số vàng chị Mai đã nhặt được, đã giao nộp cho công an và công an đã có thông báo công khai về sự việc này. Sau 1 năm không tìm được chủ sở hữu thì chị Mai được quyền xác lập quyền sở hữu đối với số vàng này theo Điều 241 BLDS. Theo đó, chị Mai được hưởng trong giá trị tài sản này là: 10 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định sau khi trừ chi phí bảo quản và 50% giá trị của phần vượt quá mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định, phần giá trị còn lại thuộc Nhà nước.
“Chị Mai được xác lập quyền sở hữu đối với số vàng này còn phù hợp với quy định của khoản 6 Điều 170 BLDS về căn cứ xác lập quyền sở hữu đối với vật vô chủ, vật bị đánh rơi, bị bỏ quên... Và khi chị Mai xác lập quyền sở hữu thì người bỏ quên tài sản cũng chấm dứt quyền sở hữu theo khoản 7 Điều 171 BLDS, điều này cũng phù hợp với Điều 250 BLDS quy định, khi vật bị đánh rơi, bị bỏ quên... mà người khác đã được xác lập quyền sở hữu theo quy định tại điều Điều 241 nêu trên thì quyền sở hữu của những người có tài sản đó cũng đương nhiên chấm dứt”, ông Út nêu quan điểm.
Cùng quan điểm cho rằng chị Mai mới là người được xác lập quyền sở hữu đối với số vàng nhặt được theo quy định của pháp luật, nhưng Luật sư Hồ Nguyên Lễ (Đoàn Luật sư TP HCM) lại đưa ra nhận định khác về việc áp dụng điều luật đối với trường hợp này.
“Theo quan điểm của cá nhân tôi thì số vàng chị Mai nhặt được là vật vô chủ hoặc không xác định được chủ sở hữu được quy định tại Điều 239 BLDS. Bởi vì số vàng này chị Mai nhặt được từ trong quá trình xử lý rác nên không thể xem là vật bị đánh rơi hay bỏ quên vì trên thực tế chẳng có ai mang số vàng như vậy ra bãi rác để đánh rơi hoặc bỏ quên cả. Do đó, sau thời hạn một năm công an thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng tìm chủ sở hữu mà không có người đến nhận thì chị Mai được xác lập quyền sở hữu đối với toàn bộ số tài sản này”, luật sư Lễ phân tích.
Cũng theo luật sư Lễ, trong trường hợp chị Ngân nhận đó là vàng của mình bị mất thì chị này phải chứng minh được bằng chứng thuyết phục. “Chẳng hạn như vàng này được mua từ đâu, do tiệm vàng nào chế tác… nói chung là rất nhiêu khê chứ không thể chứng minh qua những lời khai báo được. Nếu chị Ngân chứng minh chính xác đó thật sự là vàng của mình bị mất thì theo quy định của pháp luật, chị này cũng đã bị mất quyền sở hữu vì đã hết thời hạn 1 năm kể từ ngày công an thông báo tìm chủ sở hữu. Do đó, nếu chị Ngân muốn nhận lại tài sản, không còn cách nào khác là phải thỏa thuận với người được xác lập quyền sở hữu mới là chị Mai”.
Cũng có luồng ý kiến cho rằng, trước đó, chị Ngân có trình báo mất tài sản, được Công an phường 8, TP Cà Mau lập biên bản ghi nhận sự việc. Do đó, khi công an tìm được tài sản của chị Ngân bị mất thì phải có trách nhiệm xác minh, nếu đúng thì hoàn về chủ cũ. Bởi vì, việc chị Ngân trình báo mất tài sản không có quy định thời hạn trong bao lâu không tìm thấy sẽ mất quyền sở hữu.
Cái khó nhất ở đây là sẽ giải quyết như thế nào để thấu tình đạt lý trong trường hợp số vàng nhặt được chính là của chị Ngân bị mất. Nếu chị Mai được quyền sở hữu số vàng nói trên thì chị Ngân coi như bị mất tài sản oan uổng và xét cho cùng thì không hợp đạo lý. Còn hoàn trả số vàng lại cho chị Ngân thì sai quy định của pháp luật và không công bằng với người nhặt được.
“Tôi không có ý định tranh giành với chị Mai!”
Theo biên bản ban đầu do Nhà máy xử lý rác thải Cà Mau lập lúc 16 giờ, ngày 4-8-2014, thì số vàng chị Mai nhặt gồm: 1 vòng vàng, 4 dây chuyền vàng; 3 mặt dây chuyện lớn nhỏ; 10 nhẫn, 3 đôi bông tai, 1 mặt dây chuyền bị gãy... Kết quả giám định của cơ quan chức năng cho biết tổng cộng là 2 chỉ vàng 24K và 4,7 lượng vàng 18K.
Ngoài ra, chị Mai còn mô tả thêm số vàng trên được đựng trong chiếc ví dùng cho nữ loại bằng da đã phai màu và bị rách. Ngoài số vàng, bên trong chiếc ví còn có nhiều tờ giấy thấm nước không còn đọc được chữ và một CMND không còn nhận diện được người trong ảnh cũng như họ tên và số. Sau khi lấy vàng ra, chị Mai đã vứt chiếc ví và giấy tờ trở lại đống rác.
Trong khi đó, chị Ngân trình báo với Công an phường 8, TP Cà Mau bị mất trộm vàng vào ngày 1-8-2014. Cùng ngày, Công an phường 8, TP Cà Mau lập biên bản tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm về vụ bị mất trộm của chị Ngân. Theo báo cáo ban đầu của Công an phường 8 gửi Ban chỉ huy Công an TP Cà Mau, thì số lượng vàng chị Ngân trình báo mất gồm: 2,8 lượng vàng 18K và 5 chỉ vàng 24K. Trong đó, 4 sợ dây chuyền vàng 18K (2 lượng); 3 chiếc nhẫn hột vàng 18K (3 chỉ); 1 chiếc vòng 18K (3 chỉ); 2 đôi bông tai vàng 18K (2 chỉ); 3 chiếc nhẫn và 1 mặt dây chuyền vàng 24K (5 chỉ). Còn theo hình ảnh chụp lại số vàng trong đám cưới trước khi bị mất mà chị Ngân cung cấp cho báo chí, thì có khoảng 7 chiếc nhẫn, 1 bộ vòng ximem khoảng 15 chiếc, 1 dây chuyền, 1 tấm lắc và 1 đôi bông tai…
Giải thích cho sự mâu thuẫn này, chị Ngân cho biết do hôm mất vàng chị không đủ bình tĩnh để khai thật chính xác nhưng sau đó chị có đến công an phường khai lại. “Số vàng tôi thật sự bị mất khoảng 4,3 lượng, trong bóp có 2 giấy cầm vàng và CMND của tôi. Đến thời điểm này, tôi cũng không dám chắc số vàng chị Mai nhặt được có phải của tôi hay không vì tôi chưa tận mắt nhìn thấy. Mục đích của tôi là muốn công an xác minh làm rõ. Bởi vì tôi thật sự có bị mất tài sản chứ bản thân không hề có ý định tranh giành gì với chị Mai cả”, chị Ngân chia sẻ.
Bình luận (0)