xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Án kinh tế nhiều, xử treo cũng nhiều

Nguyễn Quyết - Dương Ngọc

(NLĐO)- "Quả thật án kinh tế thì cũng nhiều nhưng xử treo thì cũng nhiều. Nó tạo ra một suy nghĩ chúng ta không đấu tranh kiên quyết đối với tội phạm kinh tế” - Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hoà Bình trả lời chất vấn trước QH sáng nay 14-6.

img
Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình trả lời chất vấn trước QH
 
Sáng nay 14-6, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao (VKSND) Nguyễn Hoà Bình lần đầu tiên "đăng đàn" trả lời chất vấn trực tiếp của các đại biểu (ĐB) Quốc hội.
 
Các ĐB Quốc hội đã dành nhiều câu hỏi chất vấn đối với Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình để làm rõ thực trạng chất lượng của ngành kiểm sát và đặt câu hỏi về việc có quá nhiều án tham nhũng, án kinh tế được cho hưởng án treo gây dư luận không tốt.
 
ĐB Đỗ Thị Hoàng (Quảng Ninh) hỏi thẳng: Thời gian qua, nhiều ý kiến trong quần chúng nhân dân và dư luận cho rằng việc phát hiện và xử lý các vi phạm pháp luật về kinh tế, chức vụ và  tham nhũng chưa tốt từ khâu điều tra, kiểm sát, xét xử. Tỷ lệ các bị cáo được tòa án tuyên cho hưởng án treo nhiều dẫn đến sự hoài nghi của quần chúng nhân dân và dư luận xã hội về tính nghiêm minh của pháp luật. Với chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử, đề nghị Viện trưởng cho biết đã chỉ đạo ngành kiểm sát có biện pháp gì để xử lý nghiêm minh các vụ án kinh tế, chức vụ và tham nhũng trong thời gian tới để thực hiện Nghị quyết số 37 ngày 23-11-2012 của QH, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm hiện nay?
 
Ông Nguyễn Hòa Bình cho rằng, câu hỏi này cũng là yêu cầu của Nghị quyết 37 trong đó, đặt ra câu hỏi tại sao án treo nhiều như thế. “Chúng tôi cũng đồng tình với đánh giá của ĐB. Quả thật án kinh tế thì cũng nhiều nhưng xử treo thì cũng nhiều. Nó tạo ra một suy nghĩ chúng ta không đấu tranh kiên quyết đối với tội phạm kinh tế” - Viện trưởng Viện KSND Tối cao thừa nhận.
 
Theo thống kê của ông Viện trưởng, án kinh tế, tham nhũng tính tới thời điểm này xử án treo là 30,8%, cao hơn các loại án khác bình quân là 21%. Sở dĩ có hiện tượng này, ông Bình lý giải là vì đối với án kinh tế, cũng là chính sách hình sự, chú trọng nhất là phải thu hồi được tài sản chiếm đoạt trái phép. Đặc biệt, đối với loại tội phạm dùng tiền là mục đích phạm tội thì phải thu hồi được về mặt kinh tế. Vì vậy, khi đã bị xử, bị thu hồi thì hình thức phạt tù không phải là việc chú trọng.
 
Đối với án tham nhũng, tất cả các vụ án treo đến giờ này đã vận dụng pháp luật đúng. Trong đó, có những vụ chúng tôi có kháng nghị. Vừa rồi kháng nghị 39 trường hợp, được xem xét 26 trường hợp. Trong trường hợp mà tòa tuyên có xử án treo không phải là đề nghị của ngành thì phải qua cấp trên để xem xét. 
 
Dành nhiều thời gian để giải trình về vấn đề này, Viện trưởng Nguyễn Hòa Bình cho biết: trong quy định của luật, với án tham nhũng có rất nhiều tình tiết được vận dụng để xử dưới khung, nhẹ hơn mức đề nghị. “Chúng tôi đã chỉ đạo 2 tình tiết không được vận dụng là: có nhân thân tốt và phạm tội lần đầu. Bởi trước thời điểm phạm tội, hầu hết các bị cáo đều có nhân thân tốt. Mặt khác, không thể có chuyện đã tham nhũng rồi lại tiếp tục được làm lãnh đạo để tham nhũng tiếp. Vì thế, chúng tôi không chấp nhận 2 tình tiết này”- người đứng đầu ngành kiểm sát cho hay.
 
Trên nghị trường, Viện trưởng VKSND Tối cao khẳng định: “Chúng tôi đang cố gắng để giảm án treo trong án tham nhũng. Các tình tiết áp dụng trong Luật có thể đúng nhưng quá nhiều án treo có thể gây ra phản cảm cho nhân dân”.
 
ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) đặt vấn đề: “Lần đầu tiên Quốc hội có Nghị quyết 37 giao chỉ tiêu cho các ngành công an, kiểm sát, tòa án. Nhìn chỉ tiêu rất căng như chỉ tiêu phá án tội phạm giao phá án 90%. Tôi được biết ngành công an nếu tội phạm nghiêm trọng có thể phá trên 90%, còn các tội phạm thông thường thì phá án được 50 – 60%. Ở đây Quốc hội giao 90%. Vậy Viện trưởng đã có giải pháp gì mang tính đột phá để thực hiện lộ trình cải cách tư pháp về tổ chức bộ máy, về đào tạo, đào tạo lại đội ngũ cán bộ đáp ứng được yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế?”
 
Viện trưởng VKSND Tối cao cho biết, về Nghị quyết 37, lần đầu tiên Quốc hội có nghị quyết về công tác tư pháp. Bằng nghị quyết này, Quốc hội cũng khẳng định những đóng góp quan trọng của các cơ quan tư pháp cho việc bảo đảm pháp luật, an ninh trật tự, bảo vệ nhân dân, bảo vệ phép nước. Nghị quyết cũng đưa ra các yêu cầu rất cao, trong đó có ngành kiểm sát. Tổ chức thực hiện nghị quyết 37 là nhiệm vụ trọng tâm của ngành kiểm sát.
 
“Chỉ tiêu cao như vậy, ngành có làm được không? Theo quy định, cuối năm mới có đánh giá nhưng xin thưa với Quốc hội, chúng tôi cũng sẽ hợp tác chặt chẽ với công an, tòa án, phấn đấu hết mình để đạt được các chỉ tiêu của nghị quyết 37” - ông Nguyễn Hòa Bình không trả lời thẳng câu chất vấn của ĐB Nguyễn Bá Thuyền.
 
Giải đáp những băn khoăn của ĐB về tranh tụng trước tòa, ông Nguyễn Hòa Bình thừa nhận, hiện có vấn đề về chất lượng trong lực lượng viện kiểm sát. Giải pháp nâng cao không có cách nào khác là từ nâng cao trình độ anh em, đào tạo lại, trao đổi kinh nghiệm, bồi dưỡng kiến thức và đặc biệt cùng với tòa tổ chức ngày càng nhiều các phiên tòa điểm, rút kinh nghiệm để anh em kiểm sát tham gia. 
 
“Điều kiện tranh tụng là cán bộ tốt, điều kiện cần là nắm chắc hồ sơ nên không có cách nào khác là phải bám sát, gắn công tố với điều tra, gắn công tác kiểm sát với điều tra. Nắm tốt bao nhiêu thì chất lượng tranh tụng tốt bấy nhiêu. Tranh tụng gồm nhiều bên, môi trường tranh tụng đối với chúng ta hiện nay rất hạn chế”.
 
Ông Bình dẫn chứng, số vụ án hình sự có sự tham gia của luật sư trên phạm vi toàn quốc là 21%. Khoảng 80% còn lại không có môi trường tranh tụng. Trong 21% thì một nửa là chỉ định, một nửa là luật sư theo yêu cầu của bị cáo hoặc gia đình. Do đó, giải pháp là phối hợp với cơ quan điều tra để tạo điều kiện cho luật sư tham gia từ đầu.

Tỷ lệ thụ lý giám đốc thẩm, tái thẩm thấp vì sao?

ĐB Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Ninh) băn khoăn, mỗi năm VKSND các cấp thụ lý hàng chục nghìn đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm nhưng tỷ lệ giải quyết thấp. Trong năm 2012, tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đối với án hình sự của VKS đạt 34% trên tổng số đơn thụ lý, tỷ lệ xử lý đối với án dân sự đạt khoảng 26% và án hành chính đạt chưa đến 10%. Nguyên nhân của tình trạng này là gì và ngành kiểm sát đã có giải pháp gì để khắc phục tình trạng tồn đọng trên?

Về vấn đề này, Viện trưởng VKSND Tối cao cho biết, theo quy định của luật chúng ta có hai cấp xét xử: sơ thẩm và phúc thẩm. Còn tái thẩm và giám đốc thẩm không phải là cấp xét xử.

Theo Viện trưởng, chúng ta đang rơi vào tình trạng quá tải giám đốc thẩm, tái thẩm dẫn đến tình hình phúc thẩm xong rồi lại tiếp tục đơn để trì hoãn, kéo dài thời gian thi hành án.

“Trong điều kiện đặc biệt thì mới làm. Chúng ta thì vụ nào cũng đơn lên hết nên tạo áp lực cho cơ quan VKSND Tối cao và TAND Tối cao. Đối với các nước, một năm chỉ vài chục vụ, còn nước ta thì cả chục ngàn vụ, nên việc giải quyết đã là một cố gắng rất lớn” - Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình khẳng định. 
 
Nghị quyết về công tác tư pháp sẽ được báo cáo, thảo luận riêng tại Quốc hội

Kết luận phần chất vấn đối với Viện trưởng VKSND Tối cao, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng một lần nữa nhấn mạnh: Công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, phòng, chống tham nhũng, công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án cũng còn những hạn chế, yếu kém, chưa đáp ứng được lòng mong muốn của Quốc hội và của nhân dân cũng như của chính các bộ, các ngành trong khối tư pháp.

Qua chất vấn và thảo luận hội trường, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Viện trưởng một số điểm.

Trước hết là thực hành tốt chức năng về công tố và giám sát, kiểm sát tư pháp, yêu cầu phải kiểm sát 100% số vụ án hình sự ngay từ khi khởi tố. Phải thực hiện kiểm sát chặt hoạt động điều tra, kịp thời đề ra yêu cầu điều tra để chống bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội, đồng thời kiểm sát ngay tiêu cực trong ngành.

Thứ hai là tăng cường hơn nữa chất lượng ra quyết định truy tố cho đúng thời hạn và những vụ án có kết luận điều tra đề nghị phải ra quyết định truy tố kịp thời, nếu không ra được kịp thời thì phải giải quyết trình tự pháp luật khác, đừng để đọng lại tại Viện kiểm sát. Hiện nay chúng ta đang phấn đấu được 90%, nhưng nói chung nguyên tắc là phải giải quyết hết.

Thứ ba là bảo đảm truy tố bị can đúng tội. Chúng ta phấn đấu 100% không có sai sót, nghị quyết Quốc hội nói là dần dần, làm 90%, rồi 95%, nhưng nói chung không được làm sai sót trong truy tố, cái này là tuyệt đối.

Tăng cường vai trò chủ động, tích cực tranh tụng của phiên tòa, giám sát việc tranh tụng của phiên tòa, tăng cường tranh tụng của chính công tố viên là người của kiểm sát, hiện nay cả hai mặt này còn yếu, sau vụ án nói rất nhiều, tính công khai, minh bạch chưa đảm bảo.

Nâng tỷ lệ các kháng nghị của Viện kiểm sát được tòa chấp nhận phải đạt tỷ lệ cao. Đúng ra phải đạt 100%, nhưng bây giờ các đồng chí phấn đấu đạt khoảng 70, 80%, tiến tới 100%.

Trong năm 2013 Quốc hội yêu cầu Viện trưởng VKSND Tối cao báo cáo đầy đủ tình hình vi phạm pháp luật trong các hoạt động tư pháp, chứ không phải chỉ báo cáo công tác của VKSND, thống kê, phân tích tội phạm và đề xuất giải pháp phòng ngừa thuộc trách nhiệm của ngành khác và ngành kiểm sát.

Phải sớm khắc phục tình trạng thiếu cán bộ để phấn đấu đến năm 2015 đảm bảo số lượng và đi theo đó phải đảm bảo chất lượng. “Chất lượng ở đây là cả tài và cả đức” – Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Viện kiểm sát khẩn trương tổng kết Bộ Luật Tố tụng hình sự, chuẩn bị luật của VKSND Tối cao sửa đổi để trình Quốc hội ban hành, sau khi Quốc hội thông qua Hiến pháp.

Theo Chủ tịch Quốc hội, Quốc hội yêu cầu chung đối với khối tư pháp từ nay đến cuối năm 2013 phấn đấu đạt các mục tiêu, chỉ tiêu được nêu trong Nghị quyết 37 – nghị quyết đầu tiên của Quốc hội về công tác này.

Nghị quyết này sẽ được báo cáo, thảo luận riêng tại Quốc hội vào cuối năm nay, bên cạnh báo cáo thảo luận kinh tế - xã hội của đất nước.

“Cơ quan thẩm tra của Quốc hội sẽ phải có thẩm tra để chúng ta thảo luận thích đáng ở cuối năm nay về Nghị quyết 37, tức là nghị quyết về công tác phòng, chống tội phạm, công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án để xây dựng một nền tư pháp Việt Nam ngày càng trong sạch, vững mạnh, dân chủ, văn minh, phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân như phương châm mà trong ngành các đồng chí thường dùng” - Chủ tịch Quốc hội kết luận.

 
 
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và 4 vị bộ trưởng, trưởng ngành trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp này, gồm: Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát; Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Phạm Thị Hải Chuyền; Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Hoàng Tuấn Anh và Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình.
 
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo