Đúng một năm trước, bộ trưởng bộ Tài nguyên và môi trường (TN–MT) Phạm Khôi Nguyên tuyên bố: “Đối với Vedan không thể châm chước một điều gì. Doanh nghiệp này đã gian dối ngay từ khi xây dựng nhà máy nên phải xử lý đến cùng. Vedan đã vi phạm đạo đức kinh doanh, vi phạm đạo đức đối với môi trường và lừa dối pháp luật Nhà nước Việt Nam.
Tôi theo đuổi Vedan từ năm 1997, họ lừa dối và xảo quyệt khi đổ một tấn chất thải sau lên men vào rừng cao su, người dân được 100.000 đồng và tung tin là có lợi cho cây trồng. Rồi lại thông tin, chất sau lên men tạo rong biển, thức ăn cho cá rồi đổ ra biển Vũng Tàu”. Từ đó, vụ gây ô nhiễm lớn nhất nước “có tính chất lừa đảo, xảo trá thông qua việc áp dụng những kỹ thuật khoa học tiên tiến hết sức tinh vi và hiện đại” như lời ông Nguyên nhận định cứ “teo” dần theo ngày tháng.
Lúc đầu tưởng chừng như vụ việc bị khởi tố, xử lý hình sự, Vedan buộc phải đóng cửa nhưng cuối cùng công ty này chỉ nộp phạt và tiếp tục gây bức xúc. Bộ TN–MT “đẩy bóng” cho tỉnh Đồng Nai, tỉnh này lại đẩy ngược lên bộ và ngay cả khi Thủ tướng chỉ đạo xử lý rốt ráo thì “rào cản” luật thiếu và hở lại được đưa ra. Còn những người nông dân mất đìa tôm, ao cá, trắng tay vì ruộng đồng ô nhiễm thì cứ mãi vô vọng trong việc chờ Vedan đền bù…
Lấy gì khẳng định, hình ảnh này sẽ vĩnh viễn là quá khứ?
Cho đến thời điểm hiện tại khi cuộc kỳ kèo trả giá đền bù giữa hàng ngàn người nông dân của ba tỉnh TP.HCM, Đồng Nai, Vũng Tàu với Vedan chưa có hồi kết thì bộ Khoa học và công nghệ (KH–CN) và trung tâm Tư vấn phát triển thương hiệu và chất lượng TP.HCM (NATUSI) đã trao giải “Sản phẩm chất lượng an toàn vì sức khoẻ cộng đồng năm 2009” cho Vedan! Lý lẽ của hai cơ quan này đưa ra để trao giải là: Vedan đã nỗ lực trong việc lấy lại niềm tin của người tiêu dùng Việt Nam và xây dựng thương hiệu sản phẩm thân thiện với môi trường…!
Có thể ban tổ chức giải thưởng trên cho rằng “việc nào ra việc ấy” nên tuyên dương những gì Vedan đã làm được sau sự cố. Nhưng giải thích ra sao với hàng vạn hộ dân đã bị Vedan thẳng thừng từ chối bồi thường sau cả năm trời vất vả tìm cho ra nơi thay mình đưa đơn kiện và khó khăn trăm bề trong việc lượng hoá cụ thể thiệt hại? Không chỉ vậy, Vedan còn thách thức chỉ tuân theo phán quyết của toà nếu nông dân muốn kiện.
Cách đây vài tháng, trong văn bản gửi Quốc hội, bộ TN-MT dù đã nhận xét Vedan có khắc phục những sai phạm nhưng đó chỉ là bước đầu và còn nhiều nguy cơ tiềm ẩn gây ô nhiễm. Câu chuyện về “bột ngọt Vedan” không ít lần bị công luận mỉa mai là “bột đắng Vedan” không chỉ bởi những gì công ty này đã làm mà còn bởi cách xử lý “tiến thoái lưỡng nan” của nhiều cơ quan có trách nhiệm. Nay thì một cơ quan có trách nhiệm khác đứng ra chủ trì việc trao cho Vedan giải thưởng “môi trường” trước mũi những người dân đang mỏi mòn chờ Vedan phải bồi thường thoả đáng. Và cái “phí” để có giải thưởng này là chỉ phải ký hợp đồng nộp cho ban tổ chức tổng cộng 30 triệu đồng để được “xét duyệt, tổ chức lễ trao giải”.
Dù cho bộ TN-MT đánh giá Vedan có nhiều cố gắng trong việc khắc phục tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng do nó gây ra nhưng một doanh nghiệp suốt 14 năm xả thải ra sông Thị Vải bằng hàng loạt hình thức tinh vi thì khó mà “vì sức khoẻ cộng đồng” trong vòng vài tháng như giải thưởng đã được trao. Ăn vào môi trường như Vedan không thể đong đếm bằng kinh tế và càng khó hơn khi muốn xoá bằng 30 triệu đồng tham gia một giải thưởng. Chưa biết sau danh hiệu này, Vedan và những người trao giải sẽ được hay mất nhiều hơn, nhưng chắc chắn nỗi nghi ngại và cả nghi ngờ càng lớn hơn.
Ông Phạm Gia Túc, phó chủ tịch kiêm tổng thư ký phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) thừa nhận: “Có những giải thưởng gắn danh hiệu quốc gia Việt Nam nhưng lại do những tổ chức rất nhỏ đứng ra làm, bất kỳ ai đăng ký cũng được giải, chỉ cần nộp đủ tiền theo yêu cầu của ban tổ chức”. Ông Túc không nói rõ đó là giải thưởng nào nhưng qua việc nhận giải thưởng của Vedan, dư luận đang nhận rõ dần chân tướng của những giải thưởng, danh hiệu tương tự…
Bình luận (0)