Chưa bao giờ nguy cơ hỏa hoạn tại các khu dân cư đô thị lại trở nên đáng lo ngại như những năm gần đây. Mật độ dân cư cao hơn trong khi cơ sở hạ tầng không tương xứng, điều kiện sinh sống nhiều nơi chưa được an toàn. Những tháng gần đây, các vụ hỏa hoạn xảy ra nhiều hơn và mức độ thảm khốc cũng tăng lên. Vào ngày 1-11, tại quán karaoke ở số 68 Trần Thái Tông, Hà Nội xảy ra cháy lớn khiến 13 người chết. Rạng sáng 8-12, hỏa hoạn xảy ra ở căn nhà trên đường Đoàn Văn Bơ, quận 4, TP HCM, người cha bị phỏng nặng, con trai 10 tuổi tử vong. Trước đó 2 ngày, chiều 6-12, tại căn phòng trên tầng 4 ngôi nhà 5 tầng ở đường Trần Kế Xương, quận Phú Nhuận, TP HCM, do sử dụng xăng thơm vệ sinh nhà, vụ cháy xảy ra khiến 4 người cấp cứu, sau đó 3 người đã tử vong.
Người dân TP HCM cũng không quên những vụ cháy thảm khốc khác như vụ cháy dãy nhà, trong đó có 2 quán karaoke trên đường Trần Quốc Thảo ngày 30-12-2014 khiến 1 người chết; vụ cháy vào rạng sáng 16-9-2014 trên đường Nguyễn Trãi, quận 5 khiến 7 người thiệt mạng; vụ cháy ngày 4-10-2016 trên đường Nguyễn Văn Quá, quận 12 khiến 3 người tử vong… Trả lời phóng viên Báo Người Lao Động, đại tá Lê Tấn Bửu, Giám đốc Cảnh sát PCCC TP HCM, cho biết từ đầu năm đến nay toàn TP xảy ra hơn 1.880 vụ tai nạn liên quan đến cháy nổ, nguyên nhân chủ yếu là sự cố về hệ thống, thiết bị điện; do cơ sở, nhà ở không bảo đảm tiêu chuẩn về PCCC. Trong số hơn 22.000 lượt cơ sở được kiểm tra, có gần 50% điểm tiềm ẩn nguy cơ về cháy nổ.
Giám đốc Cảnh sát PCCC TP cũng nhắc lại cảnh báo từ nhiều năm trước về các nguy cơ khi sống trong các căn nhà ống và nhà “hai trong một” ở các tuyến phố, hẻm nhỏ (vừa làm nhà ở vừa kinh doanh), thậm chí “ba trong một” (nơi ở, sản xuất kinh doanh, kho chứa hàng), khi xảy ra hỏa hoạn hết sức nguy hiểm dễ gây chết người. Trong vụ cháy ngày 16-12 ở đường Lê Văn Sỹ, nơi xảy ra cháy là căn nhà “hai trong một” (vừa kinh doanh vừa là nơi ở), có một số người kịp nhảy sang nhà bên cạnh thoát thân, chỉ bị thương nhưng 6 người tử nạn bởi nhiều lý do khác: ngủ say nên chưa kịp tỉnh, hoảng loạn, ngạt khói... Một nguyên nhân khác cần nhắc đến là lo ngại tình trạng trộm cắp nên nhiều nhà xây kín cổng cao tường, cửa nẻo bịt kín trước khi đi ngủ, không có lối thoát hiểm. Xót xa thay khi phòng ngừa được trộm cắp thì lại bất lực trước tử thần.
Để tránh lặp lại những thảm họa tương tự, nên chăng cơ quan PCCC phối hợp chính quyền địa phương đến từng tổ dân phố, từng nhà dân, xem lại mức độ an toàn về PCCC để hướng dẫn khắc phục. Những cơ sở sản xuất - kinh doanh trong khu dân cư khi chưa bảo đảm an toàn PCCC thì tuyệt đối không được phép hoạt động. Mặt khác, người dân luôn có ý thức cảnh giác, đề phòng hỏa hoạn ở mức cao nhất, nguy cơ hỏa hoạn cần cảnh báo suốt 4 mùa, mọi lúc mọi nơi.
Bình luận (0)