Trong phiên làm việc buổi chiều, Chính phủ trình QH dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD). Dự kiến, nghị quyết này sẽ được thông qua trong ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp, ngày 21-6.
Phát triển thị trường mua bán nợ
Trình bày về dự thảo nghị quyết trên, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Lê Minh Hưng cho biết để xử lý nợ xấu hiệu quả, việc tạo lập, phát triển thị trường mua bán nợ và bảo vệ quyền hợp pháp, chính đáng của chủ nợ là điều kiện quan trọng nhất. Do vậy, dự thảo nghị quyết đã có những quy định cần thiết về bảo vệ quyền chủ nợ hợp pháp, tạo điều kiện phát triển thị trường mua bán nợ.
Cụ thể, dự thảo quy định Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) được bán khoản nợ, tài sản bảo đảm theo giá trị thị trường, kể cả bán khoản nợ xấu thấp hơn giá trị ghi sổ; được mua cả nợ xấu hạch toán trong bảng (nợ trong bảng cân đối kế toán - PV) và ngoài bảng (nợ tiềm ẩn - PV). Chuyển đổi các khoản nợ xấu mà VAMC đã mua bằng trái phiếu đặc biệt sang thành khoản nợ mua theo giá trị thị trường; được bán nợ cho mọi tổ chức, cá nhân. Ngoài ra, bên mua các khoản nợ có nguồn gốc từ hoạt động cấp tín dụng của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được nhận thế chấp bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất là tài sản bảo đảm của khoản nợ đã mua; được kế thừa quyền và nghĩa vụ của bên nhận thế chấp.
Để đẩy nhanh tiến độ xử lý tài sản bảo đảm, dự thảo quy định TCTD được thu giữ tài sản bảo đảm để xử lý thu hồi nợ được bên bảo đảm đồng ý trên cơ sở tự nguyện thỏa thuận, tự do ý chí. Đồng thời, dự thảo cũng bổ sung quy định về điều kiện chuyển nhượng tài sản bảo đảm là dự án bất động sản bảo đảm xử lý tình trạng dự án treo, bảo đảm quyền lợi của các bên liên quan, đặc biệt là người mua nhà tại dự án bất động sản...
Dự thảo quy định TCTD được đưa dần số lãi dự thu đã ghi nhận của các khoản nợ xấu vào kết quả hoạt động kinh doanh hằng năm nhưng tối đa không quá 10 năm; được phân bổ dần chênh lệch giữa giá trị ghi sổ của khoản nợ và giá bán nợ vào kết quả hoạt động kinh doanh hằng năm nhưng tối đa không quá 5 năm.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng Ảnh: THẾ DŨNG
Tránh hợp thức hóa sai phạm
Trình bày báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các TCTD, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng cần giới hạn phạm vi các khoản nợ xấu và đề nghị thời điểm xác định các khoản nợ xấu cần xử lý đến ngày 31-12-2016.
Đối với các khoản nợ tiềm ẩn có thể trở thành nợ xấu, chiếm 4,56%, chủ yếu các khoản nợ đã được TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ, Ủy ban Kinh tế đề nghị giao NHNN tiến hành các biện pháp cần thiết, chỉ đạo các tổ chức tín dụng quyết liệt thu hồi. Trường hợp các khoản nợ trên thành nợ xấu, cho phép áp dụng nghị quyết để xử lý. "Chính phủ cần tiếp tục làm rõ và xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức gây ra tình trạng nợ xấu" - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế lưu ý.
Về bán nợ xấu và tài sản bảo đảm, mua bán nợ xấu của VAMC, Ủy ban Kinh tế nhất trí với quy định cho phép bán nợ xấu, tài sản bảo đảm theo giá thị trường; cho phép tổ chức mua bán nợ xấu được bán nợ xấu cho cả pháp nhân, cá nhân không có chức năng kinh doanh. Ủy ban Kinh tế cũng đánh giá mua bán nợ là phù hợp với yêu cầu khách quan và thực tế quy định. Điều này góp phần thúc đẩy bán nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu.
Tuy nhiên, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cũng dẫn một số ý kiến băn khoăn về quy định bán nợ xấu thấp hơn giá trị ghi sổ của khoản nợ có thể bị lợi dụng để trục lợi. Một trong những vướng mắc hiện nay là TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, cá nhân… không dám bán khoản nợ, tài sản bảo đảm theo giá thị trường do có thể bị xem xét trách nhiệm khi giá bán thấp hơn giá trị sổ sách.
"Ủy ban Kinh tế đề nghị cho phép TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được quyền bán nợ xấu, tài sản bảo đảm nợ xấu công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật, giá bán phù hợp theo giá thị trường, có thể cao hơn hoặc thấp hơn giá trị ghi sổ của khoản nợ" - đại diện Ủy ban Kinh tế nêu rõ.
Ủy ban Kinh tế cũng đặc biệt lưu ý trường hợp phát hiện tổ chức cá nhân sai phạm do nguyên nhân chủ quan để phát sinh nợ xấu, các vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật, tránh hợp thức hóa các sai phạm do chủ quan, cố ý.
Tình trạng thao túng ngân hàng chưa xử lý triệt để
Trình Quốc hội Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng, Thống đốc NHNN Việt Nam Lê Minh Hưng cho biết tình trạng sở hữu, sở hữu chéo, nhóm cổ đông, chi phối đã từng bước được kiểm soát nhưng trong thực tế vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro do tình trạng chi phối, thao túng hoạt động ngân hàng chưa được xử lý triệt để. Một số tổ chức tín dụng vẫn còn tình trạng cổ đông là tổ chức sở hữu trên 15% vốn điều lệ, cổ đông và người có liên quan sở hữu trên 20% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng, trong đó tỉ lệ sở hữu lớn chủ yếu tại một số doanh nghiệp nhà nước chưa khắc phục xong.
Bình luận (0)