Ngày 6-1, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “Phát huy vai trò báo chí trong đấu tranh chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống”.
Nhiều nơi chọn giải pháp “im lặng”
Tại buổi tọa đàm, ông Hà Quốc Trị, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra trung ương (UBKTTƯ), cho rằng hiện một số UBKT còn nể nang, né tránh, ngại va chạm. Trong khi nhìn các trang báo hằng ngày thấy rất nhiều dấu hiệu vi phạm của đảng viên, tổ chức Đảng.
Đại diện UBKTTƯ khẳng định báo chí đã đóng góp tích cực trong việc cung cấp thông tin, phát hiện vi phạm, sai phạm để UBKT các cấp kiểm tra và kịp thời xử lý như những dự án đầu tư của nhà nước không hiệu quả, gây lãng phí hàng ngàn tỉ đồng hay vụ Trịnh Xuân Thanh. Tuy nhiên, một số báo thông tin thiếu chính xác, mang tính suy diễn, chủ quan, đưa tin một chiều làm mất lòng tin của người dân.
Ông Phùng Sưởng, Phó Tổng Biên tập Báo Tiền Phong, nêu một số khó khăn của báo chí trong quá trình đấu tranh chống suy thoái, tiêu cực, tham nhũng. Cụ thể, nhiều cán bộ, người dân ngại va chạm, sợ trù dập không dám tố cáo hành vi tiêu cực, tham nhũng. Không ít nơi phổ biến tâm lý thờ ơ, ngại đấu tranh với tiêu cực, tham nhũng ngay trong đội ngũ cán bộ, công chức. Nguyên nhân có phần do thiếu cơ chế khen thưởng, bảo vệ người tố cáo tham nhũng. Trong khi đó, báo chí gặp khó khăn do cơ chế công khai, minh bạch còn hạn chế; nhiều nơi vẫn né tránh, đùn đẩy trả lời báo chí. Thậm chí, có nơi trả lời nhưng không dám đứng tên khiến giá trị thông tin giảm sút.
Chẳng hạn trong vụ Trịnh Xuân Thanh, ngay sau khi báo chí phản ánh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo cơ quan chức năng vào cuộc và nhiều cơ quan báo chí đã đề nghị một số cơ quan chức năng, trong đó có Bộ Nội vụ, cho biết quy trình bổ nhiệm, luân chuyển nhưng không được đáp ứng. Bộ Nội vụ cũng không tổ chức họp báo để cung cấp thông tin khách quan, đa chiều về vụ việc này.
Các cơ quan chức năng khẳng định không có vùng cấm trong đấu tranh phòng chống suy thoái, tiêu cực, tham nhũng nhưng do quy định còn nhiều bất cập gây khó cho cơ quan báo chí giám sát, phản ánh. Điển hình là việc kê khai tài sản theo quy định của Luật Phòng chống tham nhũng vẫn xem là thông tin “mật”, chỉ công khai trong đơn vị hoặc tại cuộc họp. Khi báo chí phản ánh công khai các bản kê khai sẽ được coi là vi phạm pháp luật. Từ đó, ông Sưởng kiến nghị các cơ quan chức năng cần thực hiện nghiêm túc quy chế giám sát, phản biện của MTTQ và các đoàn thể. Cần có cơ chế rõ ràng về trách nhiệm của các bộ, ngành, chính quyền các cấp trong việc trả lời báo chí đối với các vụ việc nóng không quá 3-5 ngày. Mặc dù Luật Báo chí hiện hành đã quy định nhưng không có chế tài cụ thể nên nhiều cơ quan chọn giải pháp “im lặng”.
Tăng tin - bài về cái tốt
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho rằng phải có cơ chế bảo vệ người tố giác tham nhũng. Làm sao để làm rõ quy trình nuôi dưỡng tham nhũng, cắt con đường tham nhũng và đây là nhiệm vụ mà báo chí phải tham gia gánh vác. Đây là lúc vào cuộc vì không còn lúc nào nữa vì tương lai đất nước không thể chậm trễ.
Ông Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương - nhìn nhận thời gian qua, báo chí đã đi đầu trong phát hiện các biểu hiện, hành vi tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tệ nạn xã hội; tham mưu kịp thời, chính xác nhiều vụ việc cho các cơ quan chức năng. Nhiều vụ án tham ô, tham nhũng, tiêu cực được các cơ quan chức năng xử lý bắt đầu từ thông tin của báo chí. Chính báo chí tham gia phản ánh, tạo áp lực dư luận cần thiết thúc đẩy các cơ quan chức năng xử lý nhanh vụ việc. Tuy nhiên, một số vấn đề báo chí cần nỗ lực làm tốt hơn nữa. Đó là cân đối giữa xây và chống tham nhũng, tiêu cực, cái xấu nhiều khi chưa hài hòa. Không máy móc “7 hồng, 3 tối” song có tờ báo đưa 156 tin - bài mà chỉ có 3, 4 tin - bài tốt thì không phản ánh đúng tình hình đất nước.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị báo chí cần tuyên truyền để người dân thấy đây là cuộc đấu tranh cam go nhưng nếu thực hiện đồng bộ, quyết tâm thì sẽ có hiệu quả. Vì thế, cần tăng cường hơn nữa sự chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng trong lĩnh vực báo chí. Ông Võ Văn Thưởng mong muốn báo chí tuyên truyền hài hòa tốt với xấu, tăng tin bài về cái tốt, nêu điển hình có sức lan tỏa; thông tin chắc chắn, đấu tranh sắc sảo, dũng cảm, kiên định.
Hệ lụy từ né tránh trả lời
Ông Phùng Sưởng cho rằng việc né tránh trả lời báo chí không chỉ dẫn đến tình trạng một nửa sự thật không phải là sự thật mà còn khiến báo chí chùn tay, nản lòng trong việc theo đuổi tới cùng vụ việc.
Bình luận (0)