xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Báo chí sẽ về đâu?

LÊ QUỐC MINH (Tổng Biên tập Vietnam+)

Mạng xã hội, nhất là Facebook, đã và đang tương hỗ nhiều với báo chí nhưng trong tương lai gần thì sẽ làm cho báo chí bị mất thương hiệu lẫn nguồn thu

Facebook luôn khẳng định họ là một công ty công nghệ và không hề có ý định trở thành một hãng truyền thông song thực tế thì hoàn toàn khác. Người dùng đang dành nhiều thời gian cho Facebook hơn là đọc báo.

Công nghệ thay đổi chóng mặt

Năm ngoái, nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Pew ở Mỹ cho thấy có 30% người Mỹ trưởng thành coi Facebook là nguồn tin tức chính. Tổng cộng, Facebook chiếm hơn 80% toàn bộ thị trường tin tức trên mạng xã hội. Còn theo nghiên cứu do Viện Nghiên cứu báo chí Reuters (RISJ) vừa công bố vào giữa tháng 6-2016, có tới 44% người dùng Facebook trên thế giới coi mạng xã hội này là nguồn cung cấp tin tức chính của mình.

Sau Facebook, YouTube cũng là một kênh thu thập tin tức quan trọng với 19% người dùng thường xuyên truy cập nhằm tìm kiếm tin tức. Với Twitter là 10%, chủ yếu gồm các nhà báo, chính trị gia hoặc những người thường xuyên theo dõi tin tức. Instagram tiếp tục phát triển nhanh chóng ở lĩnh vực này cùng với WhatsApp ở một số quốc gia.

Cũng cần phải kể đến Snapchat, một kênh thu hút đông đảo giới trẻ, với lượng lượt xem video vào cuối tháng 4-2016 lên tới 10 tỉ lượt mỗi ngày, ngang ngửa với Facebook và hơn cả YouTube. Snapchat có ứng dụng Discover nổi tiếng với cách thức trình bày tin tức độc đáo, đang trở thành cơn sốt khi thu hút được những nguồn tin đa dạng, từ CNN, NatGeo, Buzzfeed, Mashable, DailyMail cho đến Vice, People, Cosmopolitan, MTV, Food Network.

Theo nghiên cứu của Reuters, các mạng xã hội không chỉ để người dùng phát hiện tin tức mà nó cũng khích lệ việc trao đổi và chia sẻ tin tức. Trung bình có 24% những người đọc tin sẽ chia sẻ qua mạng xã hội mỗi tuần và họ là những người quan tâm đến các lĩnh vực chính trị, kinh doanh, công nghệ hoặc môi trường. Những người chia sẻ nhiều nhất là những người “nghiện” tin tức, thường sử dụng nhiều thiết bị, trong đó đa phần coi điện thoại thông minh là thiết bị chính.

Khi sử dụng khái niệm truyền thông xã hội hoặc mạng xã hội, chúng ta thường chỉ nghĩ đến những dòng trạng thái hoặc hình ảnh/video do cá nhân gửi lên những trang như Facebook, YouTube, Instagram... Nhưng nếu dùng thuật ngữ “distributed content” thì chúng ta sẽ thấy một mối đe dọa to lớn với báo chí truyền thống. Nếu những nền tảng này có thể trở thành nguồn cung cấp tin tức mỗi ngày cho người dùng Internet, các nhà xuất bản tin tức chính thống sẽ khó mà đối đầu được. Rất nhiều cơ quan báo chí lớn trên thế giới đang dựa vào Instant Articles của Facebook hay Discover của Snapchat để đưa thông tin đến với độc giả (gọi là “distributed content” - tin tức phát hành trên nền tảng khác), có báo như Washington Post đưa 100% số tin lên các nền tảng này.


Phóng viên, biên tập viên Báo Người Lao Động trong một buổi sinh hoạt nghiệp vụ thực hành làm live stream - phát trực tiếp sự kiện lên trang Facebook và báo điện tử. Ảnh: QUANG HUY

Phóng viên, biên tập viên Báo Người Lao Động trong một buổi sinh hoạt nghiệp vụ thực hành làm live stream - phát trực tiếp sự kiện lên trang Facebook và báo điện tử. Ảnh: QUANG HUY

Thuê “đất” của Facebook

Sự tăng trưởng của thể loại “distributed content” và đi liền với nó là việc sử dụng thuật toán để lựa chọn tin tức ngày càng phát triển là những chủ đề nóng bỏng trong các cuộc thảo luận về truyền thông thời gian qua. Học giả chuyên nghiên cứu về truyền thông Emily Bell cho rằng các hãng tin đang mất quyền kiểm soát về phát hành và dường như có sự mơ hồ và khó đoán định về những thuật toán của các công ty công nghệ với động cơ thương mại.

Trong bài phát biểu mới đây trước Hội đồng Báo chí Ireland, nhà báo Roy Greenslade đã xác định Facebook là mối đe dọa chính tới sự tồn tại của báo chí - bất kể là báo in hay báo điện tử. Greenslade tin rằng Facebook “là chiếc đinh cuối cùng đóng vào cỗ quan tài báo chí”.

Như Emily Bell đã nói trong bài giảng năm 2015 ở Cudlipp: Báo chí chỉ là “một sợi chỉ mảnh giữa tấm thảm mới vĩ đại của giao tiếp và thông tin toàn cầu”.

Facebook muốn chúng ta tin rằng mối quan hệ giữa nó và truyền thông giống như quan hệ chủ đất và người thuê, một quan hệ đối tác hai bên cùng có lợi. Facebook đưa ra rất nhiều hứa hẹn về việc chia sẻ lợi ích, nhất là lợi ích về doanh thu quảng cáo.

Cuối năm 2015, Facebook đưa một số báo và trang web tại Việt Nam vào danh sách triển khai Instant Articles đợt đầu tiên và kể từ ngày 12-4-2016 thì cho phép tất cả các tờ báo sử dụng tính năng này. Xu hướng “distributed content” đang ngày càng phát triển trên thế giới, không ít người hồ hởi cho rằng nó là lối thoát cho báo chí. Tốc độ tải trang cực kỳ nhanh chóng, giao diện đẹp và vô cùng tiện lợi. Người dùng Facebook đương nhiên thấy thú vị, còn các tờ báo hài lòng với lượng truy cập đổ về từ nền tảng này. Và Facebook không dừng ở đó. Họ liên tiếp tung ra ứng dụng Facebook Live, rồi gần đây là cho phép đăng ảnh 360 độ. Báo chí lao vào tận dụng các tính năng này. Lợi thì đúng là có lợi...

Bi quan

Thế nhưng, nhiều chuyên gia truyền thông chỉ ra rằng thứ duy nhất các báo hưởng lợi là một chút lượng truy cập đó mà thôi và lượng truy cập này chưa chắc đã biến thành doanh thu. Nhờ thuật toán của mạng xã hội như Facebook, người dùng giờ đây không phải đi tìm tin tức mà tin tức tự tìm đến người dùng. Hậu quả là họ cứ đọc và không quan tâm nội dung đó nằm trên báo nào, do phóng viên nào viết. Thực tế là người chủ đất, tức Facebook, đang dần đẩy những người thuê là giới báo chí đến chỗ phá sản bằng việc lôi kéo khán giả rời bỏ các kênh cung cấp tin tức chính thống cũng như cắt nguồn cung cấp tài chính của báo chí là các nhà quảng cáo. Nói cách khác, Facebook có thể làm cho báo chí bị mất thương hiệu lẫn nguồn thu. Trong lúc có nhiều cơ quan báo chí tiếp tục thúc đẩy chiến lược “distributed content” thì không ít tờ báo khác, đặc biệt là các báo khu vực Bắc Âu, dứt khoát nói “không”.

Một số chuyên gia nghiên cứu nêu lên viễn cảnh như thế này: Sau một vài năm nữa, khi người dùng đã quen với việc lên Facebook để đọc tin tức chứ không cần vào các trang tin, khi các hãng tin trở lên lệ thuộc vào Facebook để phát hành các thông tin của mình với hy vọng vào một nguồn thu mong manh thì Facebook thay đổi thuật toán theo ý của họ. Cách nhìn này hơi bi quan nhưng không phải là không có cơ sở. Và theo như lời Emily Bell, với tốc độ thay đổi chóng mặt và những diễn biến có khả năng lật ngược cả mô hình kinh doanh của các tờ báo, có thể các nhà xuất bản tin tức vẫn chưa thực sự “chết” mà giống như hình ảnh con vẹt trong chương trình hài kịch Monty Python, nằm dưới đáy chiếc lồng nhốt mình, hai mắt nhắm nghiền.

Mà không chỉ có Facebook, những mạng xã hội thuộc dạng “ông lớn” đều có hàng trăm triệu người dùng. Có tờ báo nào, có kênh truyền hình nào trên thế giới đạt được lượng phát hành như thế?

Có một xu hướng là những tờ báo nhỏ chưa đủ khả năng tạo ra giá trị riêng và duy trì sự trung thành của người đọc thì sẽ không cần xây dựng website hay ứng dụng mobile riêng mà “tầm gửi” hoàn toàn vào các mạng xã hội.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo