Đó là một ngôi làng nhỏ chừng hơn 50 nóc nhà thuộc thôn Hồng Chính, xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận. Sống ở đây chủ yếu là ngư dân đánh bắt gần bờ, đa số lưới cá, tôm, cua... bằng thuyền thúng.
Việc những cơ sở khai thác titan ở đây – mà người trong vùng quen gọi là “cát đen” – không bảo đảm những quy định về bảo vệ môi trường như một “cơn bão” ập qua xóm nghèo này.
Cuộc sống thiếu thốn vật chất nay lại càng thêm vất vả khi họ phải đối mặt với việc hàng loạt giếng nước sinh hoạt trong làng nhiễm mặn.
Việc khai thác titan đang ảnh hưởng xấu đến đời sống của người dân thôn Hồng Chính, xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận.
Trong ảnh: Một điểm tập kết quặng titan. Ảnh: ANH THƯ
Sống với... nước mặn
Trên tuyến đường 716 tìm đến UBND xã Hòa Thắng, chúng tôi vào một quán nước bên đường và tình cờ biết được câu chuyện về ngôi làng ven biển ấy.
Cô chủ quán nước, cũng là một người dân trong làng, ngậm ngùi kể: “Đã gần 3 năm nay, các giếng nước trong làng vốn trong lành bỗng dưng mặn chát. Nhiều giếng, nước bị vàng, đục, lợn cợn. Dân làng bỏ giếng cũ đào giếng mới nhưng nếu may mắn đào được giếng nước trong thì cũng chỉ dùng được một thời gian ngắn rồi nước lại mặn, lại vàng như giếng cũ. Mấy năm sống thiếu nước sạch, dân làng khổ lắm...”.
Như Báo NLĐ từng đề cập, qua khảo sát của Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh Bình Thuận kết hợp với Viện Địa lý - Tài nguyên TPHCM vào cuối năm 2009, nhiều cơ sở khai thác titan ở Hòa Thắng đã dùng nước mặn (nước biển pha loãng) để tuyển quặng, thay vì dùng nước ngọt như quy định. Việc làm này đã làm nhiễm mặn các mạch nước ngầm trong khu vực.
Chị Lê Thị Hồng Gấm, người dân trong làng, bức xúc: “Để khắc phục hậu quả, Công ty Đường Lâm, đơn vị khai thác titan ngay cạnh làng, đã cấp nước sạch cho một số hộ trong làng. Với mức được cấp 2 thùng (loại 20 lít) mỗi ngày cho một hộ, không đủ nước cho ăn uống nói chi đến các sinh hoạt khác. Nhà nào ít người thì đỡ, nhà có cả chục người thì khó khăn vô cùng... Với lại, chỉ có một ít nhà được cấp, đa phần phải sử dụng nước giếng nhiễm mặn, bẩn vì không còn nguồn nước khác”.
Những “giếng nước độc”
Chị Gấm dẫn chúng tôi đến giếng nhà mình, nơi chị vừa lấy nước lên để nấu cơm trưa. Gáo nước chị Gấm múc lên từ giếng có màu vàng, nếm thử có vị lợ và mùi hơi khó chịu.
Chị cho biết do không có điều kiện mua nước sạch để dùng như một số hộ dân khá giả ở đây nên bấy lâu nay, 5 người trong gia đình chị phải dùng thứ nước này cho mọi sinh hoạt.
Một người dân khác, chị Nguyễn Thị Việt, cho biết: “Giếng nước nhà tôi ngày trước trong vắt, nay đục như nước cơm. Đó là nguồn nước duy nhất của gia đình tôi, đành lắng phèn cho bớt đục rồi dùng, biết làm sao được!”.
Một giếng nước của người dân thôn Hồng Chính bị nhiễm bẩn
Trong những bức ảnh do Viện Địa lý - Tài nguyên TPHCM chụp lại khi đi khảo sát tại làng vào cuối năm 2009, những giếng nước ở đây không chỉ vàng đục như chúng tôi thấy hiện nay mà còn lợn cợn cặn đen.
Đấy chính là những kim loại nặng như chì, kẽm, asen, cadmium... Trong đó, chì, asen, cadmium là những kim loại cực kỳ độc hại với con người.
Một người dân trong làng cho biết mỗi tháng, ông phải bỏ ra từ 800.000 đồng đến 1,2 triệu đồng để mua nước cho gia đình 8 người dùng.
“Nhà tôi khá nhất làng còn làm vậy được, chứ đa phần người dân ở đây thu nhập hằng tháng còn chưa tới mức đó, làm gì dám mua nước mà xài”.
Tiêu chảy riết, cũng quen rồi!
Việc sử dụng nước nhiễm bẩn thường xuyên những năm gần đây khiến nhiều người dân làng chài thôn Hồng Chính thường bị bệnh tiêu chảy, nhiều nhất là trẻ nhỏ. Qua thời gian, thậm chí người dân đã “quen” với căn bệnh này. Đến thăm nhà chị Lê Thị Hồng Gấm, chúng tôi bắt gặp hai con của chị, cháu lớn khoảng hơn 10 tuổi, cháu thứ 2 khoảng 8 tuổi, đang ngủ li bì trên giường. Chị cho biết cả hai cháu bị tiêu chảy nặng, có một cháu vừa phải nhập viện đêm qua.
Chị Lê Thị Hoa, một người dân khác trong làng, cho biết: “Chồng tôi cũng bị tiêu chảy thường xuyên đã 2 năm rồi, chữa hết rồi bị lại. Tôi cũng thường bị đau bụng bất thường nhưng phải kiếm sống nên không có thời giờ chữa trị. Bị tiêu chảy riết cũng... quen rồi!”.
Cũng theo khảo sát của Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh Bình Thuận kết hợp với Viện Địa lý - Tài nguyên TPHCM, trong nguồn nước ở đây có khuẩn E.coli, một tác nhân gây tiêu chảy và các bệnh đường ruột khác. Tuy nhiên, việc khuẩn E.coli có phải xuất phát từ công trình khai khoáng hay không thì vẫn chưa xác định được.
Ngoài ra, theo người dân trong vùng, gần đây dịch sốt xuất huyết cũng bùng phát tại làng. Theo thạc sĩ – bác sĩ Đinh Thế Hùng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng huyện Bắc Bình, hiện đã có 2 ca sốt xuất huyết nặng từ làng chuyển lên trung tâm, xã cũng có phản ánh về việc sốt xuất huyết gia tăng thời gian gần đây. Nhưng theo bác sĩ Hùng, tình hình vẫn trong vòng kiểm soát. Còn về việc người dân thôn Hồng Chính bị dịch tiêu chảy hoành hành thì trung tâm vẫn chưa nhận được báo cáo nào. |
Kỳ tới: Cạn kiệt nguồn sống
Bình luận (0)