Nói đến Dinh trấn Thanh Chiêm là nói đến một lỵ sở mở ra việc quản lý và phát triển đất nước về phía Nam của Tổ quốc, như cố học giả Nguyễn Văn Xuân từng nhấn mạnh. Nó bao gồm cả những thành tựu về hành chính, quân sự, ngoại thương, ngoại giao, công nghiệp, giáo dục và văn hóa… chứ không phải riêng chữ Quốc ngữ. Cho nên, bảo tồn, phát huy những di sản giá trị này là chuyện quan trọng và lâu dài.
Cần thám sát, khảo cổ thêm
Trong khuôn khổ luật pháp hiện hành, trước hết, cần phải nhanh chóng công nhận Dinh trấn Thanh Chiêm là một di tích lịch sử - văn hóa đặc biệt cấp quốc gia. Bên cạnh đó, cần có thêm nhiều công trình thám sát, khảo cổ và sưu tầm tư liệu liên quan, đồng thời quy hoạch, xác định phạm vi bảo tồn trên thực địa. Trong không gian xếp hạng, bảo vệ di tích, nó gắn liền với những thành tựu của dinh trấn suốt 400 năm tồn tại, trong đó gồm cả những di tích lẻ liên quan đến nhiều nhân vật lịch sử.
Đề xuất của các nhà nghiên cứu đã đề cập những di tích liên quan đến Dinh trấn Thanh Chiêm thông qua các hoạt động điều tra, thám sát, khai quật khảo cổ học tại địa phương. Trong đó, quá trình thám sát, thăm dò và khai quật một số địa điểm ở Thanh Chiêm do GS Kikuchi Seiichi và các đồng nghiệp Nhật - Việt thực hiện nhiều năm qua đã xuất lộ những vết tích kiến trúc của Dinh trấn Thanh Chiêm xưa.
Ngoài việc giới thiệu và đề xuất các phương án bảo tồn, phát huy giá trị Dinh trấn Thanh Chiêm, hàng loạt di tích liên quan cũng cần được quan tâm, như nhà thờ bà Đoàn Quý Phi, các lăng mộ của bà chúa Tàm Tang, hoàng hậu Mạc Thị Giai và thế tử Nguyễn Phúc Kỳ hiện thuộc địa phận huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.
Bên cạnh đó, cần phục dựng nhà thờ Chúa Sãi; giới thiệu lịch sử hình thành, giá trị lịch sử - văn hóa của nhà thờ Phước Kiều ở khu vực Thanh Chiêm; khảo sát, xác định đâu là nơi yên nghỉ của cha đạo Francisco de Pina - hiện có hai tồn nghi ở Hội An và trong khuôn viên nhà thờ Thánh Andre tại Phước Kiều.
Nâng tầm “bộ sưu tập cấp huyện”
Trong quá trình tìm tài liệu cho hội thảo “Dinh trấn Thanh Chiêm và chữ Quốc ngữ” mới đây, chúng tôi đã có chuyến điền dã gần một tuần ở vùng Điện Bàn và Duy Xuyên, đồng thời khảo sát hiện trạng Bảo tàng Điện Bàn và đã có những đề xuất cụ thể.
Năm 1978, song song với việc xây dựng Nghĩa trang Liệt sĩ Điện Bàn, chính quyền thị xã cũng đã đặt viên gạch đầu tiên xây dựng Bảo tàng Điện Bàn. Năm 1982, bảo tàng được khánh thành và mở cửa phục vụ khách tham quan. Nhờ vậy, những hiện vật lịch sử cách mạng, liên quan đến hai cuộc kháng chiến được sưu tầm sớm và bảo quản kịp thời với số lượng lớn, phong phú, đa dạng.
Các cán bộ bảo tàng đã tổ chức nhiều đợt sưu tầm hiện vật theo các chủ đề như chiến tranh cách mạng, văn hóa dân gian, văn hóa phi vật thể; phối hợp với các tổ chức khảo cổ họ, nhiều trường trong và ngoài nước khai quật những di chỉ văn hóa Sa Huỳnh, Chăm Pa trên địa bàn và một số hiện vật tại Dinh trấn Thanh Chiêm...
Bảo tàng Điện Biên được trùng tu, nâng cấp và khánh thành vào tháng 6-2013 với 6 phòng trưng bày chuyên đề. Trong đó, Phòng Trưng bày lịch sử hình thành, thể hiện quá trình đấu tranh cách mạng của quân, dân Điện Bàn bắt đầu từ giai đoạn thị xã Điện Bàn trước năm 1930, từ khi Đoan Quốc công Nguyễn Hoàng lập Dinh trấn Thanh Chiêm. Phòng trưng bày còn có các biểu tượng “Ngũ phụng tề phi”, “Ngũ tử đăng khoa” và hình ảnh nhiều danh nhân, chí sĩ yêu nước cùng hiện vật của thế kỷ XVII, XVIII. Trong đó, đặc biệt là bộ sách đồng quý hiếm của vua Gia Long phong tước vị cho con cháu trong hoàng tộc.
Tuy nhiên, việc đưa nội dung Dinh trấn Thanh Chiêm và chữ Quốc ngữ vào phần đầu của Phòng Lịch sử cách mạng hiện nay là chưa thỏa đáng, còn đơn điệu. Bản vẽ khu Dinh trấn Thanh Chiêm được lưu giữ ở chùa Jyomoji, TP Nagoya - Nhật Bản đo Đại học Chiêu Hòa tặng có lẽ ấn tượng hơn cả. Diện tích, hiện vật trưng bày về dinh trấn và chữ Quốc ngữ còn sơ sài. Ở đây còn thiếu những thuyết minh cần thiết về lịch sử Thanh Chiêm, về các triều đại mà các thế tử cai trị tại đây, về vai trò của dinh trấn đối với sự phát triển của Đàng Trong. Vai trò của các giáo sĩ như Francisco de Pina, A. de Rhodes… đối với việc hình thành chữ Quốc ngữ cũng chưa được chú trọng thỏa đáng.
Những tồn tại trên, trước hết là nhận thức về vai trò Dinh trấn Thanh Chiêm của Quảng Nam đối với sự nghiệp mở cõi và của chữ Quốc ngữ đối với phát triển văn hóa Việt Nam, là chưa đầy đủ. Từ đó, dẫn đến một nguyên nhân nữa là nhiều người vẫn xem Bảo tàng Điện Bàn là một “bộ sưu tập cấp huyện” nên biên chế, kinh phí hoạt động không được ghi nhận về pháp lý theo Luật Di sản.
Thực tế, Bảo tàng Điện Bàn từ khi hình thành đến nay là một thực thể trực thuộc Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện (nay đã là thị xã Điện Bàn), nên trước sau cũng chỉ có một cán bộ nữ phụ trách và một nhân viên hợp đồng bảo vệ, làm việc ngoài giờ. Người phụ trách lại vừa là thủ kho, trưng bày, bảo quản, thuyết minh, văn thư, sưu tầm hiện vật, theo dõi đến 51 di tích lịch sử cấp tỉnh và quốc gia trên toàn thị xã…!
Sau hội thảo về vai trò của Thanh Chiêm và chữ Quốc ngữ, UBND tỉnh Quảng Nam cần tiếp tục thúc đẩy việc đề nghị xếp hạng di tích quốc gia (có thể là đặc biệt) về văn hóa - lịch sử của dinh trấn này và cả nơi phát sinh chữ Quốc ngữ, đồng thời đề nghị nâng Bảo tàng Điện Bàn thành Bảo tàng Bắc Quảng Nam, thuộc quyền quản lý của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh, để phù hợp với Luật Di sản hiện hành nhằm tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, tiếp tục sưu tầm hiện vật.
Đặc biệt, cần có bộ máy nhân sự phù hợp với một bảo tàng cấp tỉnh. Trong đó, đưa những nội dung trưng bày về Dinh trấn Thanh Chiêm và chữ Quốc ngữ thành không gian riêng biệt, đặc sắc hơn. Bởi lẽ, Dinh trấn Thanh Chiêm - nơi phát sinh chữ Quốc ngữ, nơi bắt đầu hoàn tất việc mở cõi về tận mũi Cà Mau của Tổ quốc - là tài sản, là di sản vô giá, độc nhất mà tỉnh Quảng Nam có được.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 30-8
Bình luận (0)