xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Dinh trấn Thanh Chiêm và chữ Quốc ngữ

Bài và ảnh: TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

Danh xưng, vai trò lịch sử của Thanh Chiêm cũng như ai thật sự là cha đẻ của chữ Quốc ngữ là những vấn đề đến nay vẫn còn bàn cãi

Hội thảo khoa học “Dinh trấn Thanh Chiêm và chữ Quốc ngữ” do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp cùng UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức hôm 24-8 tại thị xã Điện Bàn đã tạo ra nhiều sự chú ý về truyền thông và nghiên cứu lịch sử - văn hóa cả trong lẫn ngoài nước. Từ năm 2002, đây là hội thảo lần thứ tư ở Việt Nam về các chủ đề liên quan được tổ chức lần lượt ở Quảng Nam, Phú Yên, Bình Định…

Vai trò cực kỳ quan trọng

Tại hội thảo hôm 24-8, nhiều ý kiến khác nhau về danh xưng Thanh Chiêm: Dinh, Dinh trấn Thanh Chiêm hay Dinh trấn Quảng Nam được các tác giả nêu lên. Đây là vấn đề không mới vì hội thảo kỷ niệm 400 năm Dinh trấn Thanh Chiêm tổ chức năm 2002 (Vai trò lịch sử của Dinh trấn Quảng Nam) từng đề cập.

Hội thảo lần ấy có sự tham dự của GS sử học Trần Quốc Vượng, nhà văn - nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Xuân… đã nêu ý kiến và được đồng tình: “Dinh trấn Quảng Nam có vai trò cực kỳ quan trọng trong 2 thế kỷ XVII, XVIII đối với Đông Á và thế giới… Năm 1602, khi Nguyễn Hoàng được đưa vào trấn và nhờ sự sắp xếp tài tình của ông, Dinh trấn Thanh Chiêm mới thật sự nổi bật. Hội An trở thành khu vực mới của thế giới khi tiếp xúc làm ăn với Nhật Bản, Trung Hoa và các nước phương Tây. Họ cũng gọi nơi này là Quảng Nam quốc”.

Hội thảo “Dinh trấn Thanh Chiêm và chữ Quốc ngữ” tổ chức ngày 24-8
Hội thảo “Dinh trấn Thanh Chiêm và chữ Quốc ngữ” tổ chức ngày 24-8

Tại hội thảo năm 2002, nhiều ý kiến thống nhất rằng công nghiệp của chúa Nguyễn sau năm 1602 đến cuối thế kỷ XVIII không chỉ phát triển ở Dinh trấn Thanh Chiêm, trong vùng miền Trung. Đến đời Chúa Nguyễn Phúc Tần, ông đã đưa phần quan trọng nhất của miền Trung vào vòng thế lực kinh doanh của Quảng Nam. Từ đó, các chúa đời sau tiếp tục khai thác lợi điểm lớn lao này và đến thế kỷ XVIII đã hoàn tất việc mở cõi, mang lại cho Việt Nam một nửa đất nước trù phú cho đến ngày nay.

Tuy không nêu được những thông tin mới, đa số ý kiến đều xác nhận vai trò của Thanh Chiêm là lỵ sở của Đàng Trong, là cửa ngõ giao lưu, tiếp xúc với văn hóa phương Tây. Theo PGS Nguyễn Văn Đăng từ ĐH Huế, Dinh trấn Thanh Chiêm được giao quản lý thương cảng Hội An trong chính sách mở mang kinh tế đối ngoại của chúa Nguyễn, tạo nên một tiềm lực quân sự mạnh để bảo vệ bờ cõi và mở ra kỷ nguyên Nam tiến.

“Kết quả khảo cổ và địa thám của các chuyên gia Nhật Bản cùng đối chiếu với các ghi chép trong chính sử triều Nguyễn đã xác định tại thôn Thanh Chiêm có những di tích kiến trúc thủ phủ Dinh Quảng Nam xây dựng vào năm 1602 tồn tại đến các năm 1775 và 1824…” - nhà nghiên cứu Nguyễn Chí Trung, Giám đốc Bảo tàng Hội An, cho biết.

Đề xuất công nhận Di tích quốc gia đặc biệt

Tại hội thảo mới đây, GS-TS Trương Quốc Bình, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia, đã nhấn mạnh: “Gọi Dinh trấn Quảng Nam hay Dinh trấn Thanh Chiêm đều đúng. Nhưng cụm từ Dinh trấn Thanh Chiêm đã được giới sử học và nghiên cứu sử dụng lâu nay rồi vì nó gắn liền với một vùng đất, cụ thể là làng Thanh Chiêm trong lịch sử”.

Thật vậy, Thanh Chiêm là nơi đặt lỵ sở của các trấn thủ xứ này sau năm 1602. Đến hết thời các chúa Nguyễn thì nó thuộc làng Thanh Chiêm, phủ Điện Bàn, Quảng Nam cho đến nay.

Nhà nghiên cứu uy tín Nguyễn Văn Xuân trong di cảo của mình vẫn nêu rõ: Sử không ghi khu vực ấy thuộc làng Thanh Chiêm mà gọi gọn là Chiêm dinh, đất cũ của Chiêm Động. Di tích này kéo dài từ Chiêm Bất lao, tức Cù Lao Chàm, qua vùng đất rộng lớn. Trong vùng đất Chiêm Động có nhiều làng Chiêm nay có tên là Thanh Chiêm, Phú Chiêm… Đối với địa danh Cần Húc, ông Xuân cho rằng đó chính là khu vực Vạn Rỗi, sau đổi thành Vạn Đông, mà không hiểu sao các sử gia nhà Nguyễn cho là thuộc Duy Xuyên.

Các tác giả Đinh Trọng Tuyên, Lê Thanh Hà (Viện Tự điển và Bách khoa thư Việt Nam) tiếp tục xác định Dinh trấn Thanh Chiêm với nhiều di tích như Chợ Củi, Sài Giang, Mô ông Súng, Cồn Sài (cồn chứa củi tránh lụt gần chợ Củi), đền thờ bà Hiếu Chiêu Hoàng hậu, kho Muối, Tàu tượng, chùa Hội Phước, nhà thờ thánh Andre Phú Yên còn đến ngày nay đã chứng minh điều đó. Linh mục Anton Nguyễn Trường Thăng dẫn lại bức thư của cha đạo Francisco de Pina: “Kẻ Chàm là kinh đô của triều đình, ở đây người ta nói hay, nhiều người trẻ đã quy tụ về đây. Họ là sinh viên. Gần họ, những người bắt đầu học ngôn ngữ có thể được giúp đỡ”.

Điều lý thú là ngay tại hội thảo, nhà nghiên cứu Đinh Bá Truyền đang làm việc tại Mỹ đã gửi về 5 bản đồ, cho thấy Kẻ Chàm nằm ở bờ Bắc sông Thu Bồn. Anh cũng nhờ một nhà ngôn ngữ người Bồ Đào Nha sinh sống tại Mỹ phát âm các từ DinhCham, Cacciam, Caccham trong tiếng Bồ đúng với Kẻ Chiêm, Thanh Chiêm ngày nay.

Một nghiên cứu khác của TS Trần Đức Anh Sơn về vị trí của Thanh Chiêm trên tranh vẽ của các thương nhân thời Edo ở Nhật, cũng như theo GS Kikuchi Seiichi tại hội thảo “Nhà Nguyễn ở Việt Nam” do ĐH Harvard (Mỹ) và Hồng Kông tổ chức năm 2012, cùng với khảo sát đối chứng của ĐH Showa, đã xác định Dinh trấn Thanh Chiêm chính là làng Thanh Chiêm, xã Điện Phương, huyện Điện Bàn ngày nay. Theo TS Sơn, GS Seiichi cũng đã làm rõ thân thế của các nhân vật xuất hiện trong những bức tranh cuộn chính là thế tử Nguyễn Phúc Nguyên (1563-1635), khi ấy đang làm Tổng trấn Quảng Nam và các thành viên gia đình, trong đó có con rể là thương gia Nhật Araki Sotaro.

Hội thảo lần này với một số nghiên cứu mới, cùng với hội thảo nhân dịp 400 năm Dinh trấn Quảng Nam tổ chức năm 2002 và những cứ liệu nêu trên, đã một lần nữa xác định vị trí của Dinh trấn Thanh Chiêm chính là làng Thanh Chiêm, một phần của xã Điện Phương ngày nay. Chính vì lẽ đó, GS-TS Trương Quốc Bình đã mạnh dạn đề xuất công nhận Dinh trấn Thanh Chiêm là Di tích quốc gia đặc biệt tại Quảng Nam (sau Hội An, Mỹ Sơn và Phật viện Đồng Dương).

Kỳ tới: Cha đẻ chữ Quốc ngữ là ai?

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo