Phóng viên: Việc Trung Quốc đẩy mạnh xây dựng các đảo nhân tạo ảnh hưởng đến nguyên trạng biển Đông. Thưa Bộ trưởng, thời gian tới, ngành ngoại giao sẽ có những bước đi thế nào trước tình hình này?
- Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Diễn biến biển Đông đang hết sức phức tạp. Chủ trương lớn nhất của chúng ta là khẳng định chủ quyền nhưng giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.
Với chủ trương xuyên suốt đó, chúng ta có những đàm phán trực tiếp với Trung Quốc để phân định biên giới biển, cùng với ASEAN yêu cầu thực hiện Tuyên bố ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC). Trong tất cả các văn kiện của ASEAN đều nêu câu “sớm hoàn tất COC”. Vấn đề là bộ quy tắc ứng xử phải có sự đồng thuận của các bên, bao gồm Trung Quốc.
Năm nay, có một điểm mới là ASEAN đã tiến từ trao đổi, tham vấn sang giai đoạn thương lượng, nghĩa là đã bắt đầu có văn bản. Vẫn cần một quá trình để hai bên thống nhất với nhau bằng văn bản. Quan điểm của Việt Nam là sớm nhất có thể được và đây cũng là cố gắng chung của ASEAN. Dù vậy, do có nhiều nước tham gia nên Việt Nam không thể quy định thời gian cho các quốc gia khác được. Các bên phải cùng nhau thống nhất, khi đã có nội hàm quy tắc ứng xử mới chuyển sang ký kết.
Có ý kiến cho rằng Việt Nam không liên minh thì không thể giải quyết vấn đề biển Đông. Nhưng kinh nghiệm lịch sử cho thấy với chủ trương độc lập tự chủ, chúng ta bảo vệ chủ quyền bằng sức mạnh tổng hợp, không đi với nước này để chống nước kia. Chúng ta quan hệ tốt với tất cả các nước để tạo môi trường hòa bình, ổn định, không nhất thiết phải liên minh.
Mối quan hệ giữa Việt Nam với Mỹ và Trung Quốc luôn chiếm vai trò quan trọng trong đường lối đối ngoại. Chủ trương của Việt Nam đối với 2 đối tác quan trọng này ra sao?
- Trong bối cảnh thế giới phức tạp hiện nay, khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang có sự cạnh tranh rất quyết liệt của các nước và sự cạnh tranh đó sẽ tạo ra nhiều thách thức đối với các quốc gia trong khu vực.
Chúng ta đã xây dựng quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc và đối tác toàn diện với Mỹ. Có nghĩa là với từng nước, chúng ta đặt ra những mục tiêu rất cụ thể. Đối tác chiến lược toàn diện là trên cơ sở xây dựng quan hệ chính trị, kinh tế, văn hóa, tạo dựng sự tin cậy, mở rộng quan hệ. Còn quan hệ đối tác toàn diện có thể trên từng lĩnh vực thúc đẩy quan hệ theo thế mạnh của nước đó. Trong việc xử lý quan hệ với 2 nước lớn, quan trọng nhất là chúng ta phải độc lập, đặt lợi ích quốc gia lên trên hết. Phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến” của chúng ta đặt trên cơ sở lợi ích chung, tăng cường tương đồng, giải quyết bất đồng với từng nước, không tạo ra bất hòa trong quan hệ với các nước.
Có ý kiến cho rằng cần “giải quyết sòng phẳng mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc. Họ đã giúp chúng ta những gì và đã làm những gì với chúng ta”. Bộ trưởng có thể cho biết quan điểm của Bộ Ngoại giao?
- Trong quan hệ ngoại giao, chủ trương của Việt Nam là gác lại quá khứ, hướng tới tương lai. Gác lại chứ không quên đi quá khứ. Việt Nam là một trong những nước trải qua nhiều cuộc chiến tranh, từng bị xâm lược nhưng chúng ta đã mạnh dạn nhìn về phía trước. Đưa quan hệ với các nước tiến lên là bảo đảm cho Việt Nam một môi trường hòa bình, ổn định để phát triển.
Trên thực tế, Việt Nam đã mở rộng quan hệ với nhiều nước, thậm chí đưa quan hệ với những nước cựu thù đi vào khuôn khổ quan hệ đối tác toàn diện, đối tác chiến lược. Điều đó chứng tỏ chủ trương của chúng ta là đúng đắn.
Không có xung đột biên giới với Campuchia
Về vấn đề biên giới với Campuchia, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết 2 nước đã hoàn thành 80% quá trình phân giới cắm mốc. Theo Phó Thủ tướng, một số hành động gây mâu thuẫn từ phía nghị sĩ Đảng đối lập (Đảng Cứu nguy Dân tộc Campuchia - CNRP) là việc làm sai trái, phá hoại quan hệ 2 nước. “Chúng ta có thể tin tưởng không có xung đột trên biên giới vì quan hệ 2 nước luôn tốt đẹp, dù bất cứ lực lượng nào cũng không thể chống đối được luật pháp quốc tế và bản đồ đã được 2 bên chấp nhận” - Phó Thủ tướng khẳng định.
Bình luận (0)