TS Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị thế giới, nhấn mạnh ngành đối ngoại luôn cho rằng thành tích rất lớn là đã ký thành công và đang đàm phán tổng cộng hơn 20 hiệp định thương mại tự do (FTA) với các quốc gia và liên minh kinh tế, là một trong những nước đi tiên phong và ký FTA nhiều nhất thế giới. Tuy nhiên, tiên phong mở cửa trong vấn đề thương mại tự do nhưng đổi mới bên trong của chúng ta rất kém. Nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế trung ương, TS Lê Đăng Doanh, nhấn mạnh: “Chúng ta có thể thấy rõ ai là bạn, ai làm hại, ai đang xâm lấn đất nước, nếu không có sự thay đổi và đánh giá đúng đắn thì chúng ta sẽ đối mặt với thách thức lớn”.
Theo ông Lược, trong sự nghiệp ngoại giao của Việt Nam luôn có 2 mối quan hệ chi phối: giữa Việt Nam và Trung Quốc, giữa Việt Nam và Mỹ. “Năm 1991-1992, Tổng Bí thư Đỗ Mười đặt câu hỏi nếu xem Mỹ là kẻ thù số 1 thì đối với Mỹ thế nào? Chúng tôi phải nói rằng chừng nào chúng ta còn xem Mỹ là kẻ thù số 1 thì khó phát triển. Tổng Bí thư đồng ý phải chuyển thành đối tác chứ không phải là kẻ thù. Đó là bước chuyển rất quan trọng trong tư duy. Có bước chuyển đó thì mới xóa bỏ cấm vận và phát triển, hợp tác. “Nếu có lệch lạc trong xử sự 2 mối quan hệ này thì chúng ta có vấn đề. Mà điều này còn ảnh hưởng đến cả đối nội” - ông Lược nhấn mạnh.
Bà Phạm Chi Lan, nguyên Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, mong muốn thời gian tới, Bộ Ngoại giao góp phần với Đảng, Chính phủ giải quyết sòng phẳng mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc. “Họ đã giúp chúng ta những gì và họ đã làm những gì với chúng ta, không nên để nhiều khi người dân không hiểu nổi hiện chúng ta đang coi Trung Quốc là thế nào. Nếu có điều gì xảy ra, tôi e khó huy động lực lượng toàn dân như đã từng huy động được trong các cuộc chiến tranh trước đây” - bà Lan nói.
Kiềm chế trong xử lý các mâu thuẫn
Trung tướng - TS Nguyễn Đức Hải, Viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng, cho biết Đối thoại chiến lược quốc phòng Việt Nam - Trung Quốc lần thứ 5 vừa diễn ra đã đánh giá 2 nước, đặc biệt là quân đội 2 bên đã trở thành lực lượng nòng cốt trong bảo vệ chủ quyền biển đảo. Trên cơ sở còn những bất đồng về vấn đề an ninh, an toàn và bảo vệ chủ quyền biển đảo, đặt ra vấn đề 2 bên cần hết sức kiềm chế trong xử lý các mâu thuẫn, trong việc đe dọa sử dụng vũ lực và cần tăng cường hơn các công tác tuần tra chung, thông qua đường dây nóng để giải quyết các vấn đề trên biển Đông.
Bình luận (0)