Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an ngày 1-8 phát thông tin: Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt tạm giam 4 tháng đối với ông Trầm Bê (nguyên Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Chủ tịch Hội đồng Tín dụng Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín - Sacombank) và ông Phan Huy Khang (nguyên thành viên Hội đồng Tín dụng, nguyên tổng giám đốc Sacombank) về hành vi "Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".
Tài xế, bảo vệ… đứng tên vay 1.800 tỉ đồng!
Hai ông Trầm Bê, Phan Huy Khang bị khởi tố, bắt giam vì liên quan đến vụ án Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam - VNCB, nguyên Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh - gọi tắt là Tập đoàn Thiên Thanh) và đồng phạm, đã gây thất thoát cho Sacombank 1.800 tỉ đồng.
Theo tài liệu điều tra, vào tháng 4-2013, Phạm Công Danh đến gặp ông Trầm Bê (thời điểm đó là Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Chủ tịch Hội đồng Tín dụng Sacombank) đề nghị cho vay 1.800 tỉ đồng. Ông Trầm Bê đồng ý cho ông Danh vay tiền tại Sacombank với tài sản bảo đảm là tiền gửi của VNCB tại Sacombank. Sau khi thỏa thuận, ông Trầm Bê trực tiếp dẫn ông Danh đến gặp ông Phan Huy Khang (khi đó là Tổng giám đốc Sacombank) để bàn làm hồ sơ vay tiền. Để hợp thức hóa hồ sơ vay tiền, ông Danh chỉ đạo cấp dưới lập biên bản họp HĐQT VNCB về việc dùng khoản tiền 1.800 tỉ đồng của VNCB gửi tại Sacombank làm tài sản bảo đảm cho 6 công ty vay tiền của Sacombank.
Ông Trầm Bê (trên) và ông Phan Huy Khang Ảnh: THY SỸ
Ngày 25-4-2013, ông Trầm Bê ký phê duyệt 2 tờ trình của Sacombank về việc chấp thuận chủ trương cấp tín dụng cho các công ty của Phạm Công Danh. Trên cơ sở chỉ đạo của ông Trầm Bê, lãnh đạo Sacombank Chi nhánh Hưng Đạo và Chi nhánh quận 8 đã duyệt và chuyển vào tài khoản ông Danh 1.800 tỉ đồng. Ngày 27-4-2013, ông Danh chuyển 1.700 tỉ đồng trả nợ cho Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), số tiền còn lại ông giữ trong tài khoản. Đến tháng 4-2014, do 6 công ty của Phạm Công Danh không trả được nợ vay nên Sacombank đã tự động thu nợ gốc 1.800 tỉ đồng và 35 tỉ đồng tiền lãi từ tài khoản tiền gửi của VNCB tại Sacombank. Vì 6 công ty nói trên không có tài sản bảo đảm, không nhận nợ với VNCB nên VNCB không thu hồi được số tiền đã bị Sacombank trừ nợ. Trong quá trình điều tra, Cục CSĐT tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46) - Bộ Công an phát hiện 6 công ty do ông Danh thành lập có giám đốc là… tài xế, bảo vệ, nhân viên tiếp thị…! Những công ty này cũng không hề hoạt động như Danh rêu rao.
Sacombank vẫn hoạt động ổn định
Sacombank cuối ngày 1-8 phát đi thông tin cho rằng việc ông Trầm Bê và Phan Huy Khang bị khởi tố, bắt tạm giam do liên quan đến vụ án xảy ra tại VNCB. Theo kết luận của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Sacombank không có thiệt hại trong việc cho vay đối với 6 công ty liên quan đến ông Phạm Công Danh. Với các khoản vay này, từ tháng 4-2014, Sacombank đã thu hồi vốn và lãi đầy đủ. Ông Trầm Bê không còn đảm nhiệm bất kỳ chức vụ quản trị - điều hành nào tại Sacombank từ ngày 23-2 và từ ngày 3-7 đối với ông Phan Huy Khang.
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP HCM, sau khi ông Trầm Bê và một số nguyên lãnh đạo cấp cao của Sacombank bị bắt, lãnh đạo của NHNN Chi nhánh TP HCM đã có mặt tại Sacombank để kiểm tra, đánh giá các chỉ số an toàn vốn, mức độ thanh khoản, số dư tiền gửi cuối ngày 1-8 vẫn tăng so với sáng cùng ngày, cho thấy hoạt động của ngân hàng này ổn định. Ngoài ra, NHNN Chi nhánh TP HCM còn làm việc với lãnh đạo Sacombank lên phương án dự phòng cho mọi tình huống phải có đủ tiền để bảo đảm quyền lợi khách hàng, an toàn hoạt động cho Sacombank và cả hệ thống ngân hàng. Tuy vậy, NHNN Chi nhánh TPHCM vẫn cắt cử cán bộ tiếp tục theo dõi sát sao mọi diễn biến tại Sacombank trong nhiều ngày tới để kịp thời nắm bắt, báo cáo tình hình hoạt động của ngân hàng này với NHNN Việt Nam và UBND TP HCM.
Khởi tố bị can 25 người, bắt giam 16 người
Liên quan đến vụ án Phạm Công Danh, C46 - Bộ Công an cho biết đã khởi tố thêm 25 bị can, bắt tạm giam 16 người cùng với tội danh "Cố ý làm trái quy định của nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại 4 ngân hàng gồm: VNCB, Tiên Phong Bank, BIDV và Sacombank. Ngoài ông Trầm Bê và ông Phan Huy Khang bị khởi tố, bắt tạm giam còn có Nguyễn Việt Hà (Tổng Giám đốc Công ty Quản lý Quỹ Lộc Việt), Đỗ Phương Nam (Phó Giám đốc Công ty CP Đại Phát)… Một số bị can đang thi hành án, 5 bị can được tại ngoại.
Đỉnh cao và vực sâu của ông trùm tài chính
Ông Trầm Bê sinh năm 1959, người Việt gốc Hoa, là con cả trong 1 gia đình nghèo có 4 người con ở Trà Vinh
Ông bắt đầu sự nghiệp với cương vị là giám đốc Công ty Chế biến Lâm sản Đông Anh (1991-1994) và sau đó là chủ tịch HĐQT của công ty này (1995-2001). Sau 10 năm làm trong ngành gỗ, Trầm Bê xâm nhập lĩnh vực bất động sản (BĐS) bằng việc đầu tư vào Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Bình Chánh (BCCI) với vai trò là thành viên HĐQT (1999), nắm giữ 3% cổ phần. Sau 17 năm gắn bó, ngày 20-8-2016, ông rời HĐQT BCCI.
Nhờ thành công từ kinh doanh BĐS, năm 2009, ông bỏ ra khoảng 64 triệu USD để sở hữu một phần khu mua sắm Vallco Shopping Mall thuộc trung tâm thương mại tại bang California - Mỹ. Thương vụ này 5 năm sau đã giúp ông gặt hái được quả ngọt khi chốt lời tới 16 triệu USD.
Năm 2001, Trầm Bê góp vốn với nhiều người khác để xây dựng Bệnh viện Triều An ở TP HCM, trong đó riêng ông có 15,2% vốn cổ phần. Từ năm 2002-2004, ông nắm giữ vai trò chủ tịch HĐQT Công ty Chế biến Thủy hải sản Sơn Sơn. Năm 2004, ông trở thành thành viên HĐQT Ngân hàng Phương Nam (Southern Bank). Hai cổ đông lớn nhất đều sở hữu cổ phần vượt 5% vốn điều lệ (ông Trầm Bê sở hữu 8,36%; con gái ông - Trầm Thuyết Kiều - sở hữu 7,36% và con trai là Trầm Trọng Ngân 1,86%). Nhóm cổ đông trong gia đình ông Trầm Bê và người có liên quan sở hữu tới 26,26% vốn điều lệ. Trong giai đoạn này, ngành ngân hàng Việt Nam đã có những bước tăng trưởng vượt bậc và đạt đỉnh điểm vào năm 2007. Nhờ đó, năm 2008, Southern Bank cho ra đời Công ty Vàng bạc Đá quý Phương Nam (NJC) và Công ty Chứng khoán Phương Nam (PNS). Tại NJC, ông Trầm Bê giữ chức phó chủ tịch. Đại gia này cũng "cắm" con gái Trầm Thuyết Kiều giữ chức phó giám đốc của NJC. Còn tại PNS, sau 3 năm thành lập, con trai út của Trầm Bê là Trầm Khải Hòa đã được cha đưa lên làm chủ tịch HĐQT.
Ông Trầm Bê bắt đầu thâu tóm cổ phiếu Sacombank trong khoảng thời gian từ năm 2011 đến giữa năm 2012. Lúc đó, Southern Bank đang lỗ 15.756 tỉ đồng, nợ xấu đang ở mức 45% và vài tháng tiếp theo tăng lên 55,3%, dẫn đến mất thanh khoản trầm trọng. Nguyên nhân chủ yếu do nhóm khách hàng là sân sau của ông Bê vay từ Southern Bank hàng chục ngàn tỉ đồng, trong đó gần 10.000 tỉ đồng có nguy cơ mất trắng. Để cấp cứu Southern Bank, một ngân hàng lớn có hội sở tại Hà Nội đã cho Southern Bank vay hàng ngàn tỉ đồng nhằm chống đỡ mất thanh khoản. Thế nhưng, trong bối cảnh đó, gia đình ông Trầm Bê lại thu gom cổ phiếu Sacombank, tỉ lệ nắm giữ lên tới 4% vốn cổ phần Sacombank (tháng 2-2012).
Đến tháng 6-2012, ông Trầm Bê rời khỏi ghế phó chủ tịch HĐQT Southern Bank và giao lại chức vụ này cho người con trưởng là ông Trầm Trọng Ngân. Ông Trầm Khải Hòa cũng bất ngờ rút khỏi ban lãnh đạo của Southern Bank để tham gia HĐQT Sacombank. Tại Sacombank, gia đình họ Trầm nắm giữ 63% vốn điều lệ. Ông Trầm Bê giữ chức vụ phó chủ tịch HĐQT Sacombank, con trai Trầm Khải Hòa làm thành viên HĐQT. Lúc đó, gần như toàn bộ vị trí lãnh đạo chủ chốt của Sacombank bị thay đổi. Ông Trầm Bê điều động hàng chục nhân sự từ Southern Bank sang ngồi ghế HĐQT và ban tổng giám đốc Sacombank, trong đó có ông Phan Huy Khang, ông Phan Đình Tuệ - phó tổng giám đốc Sacombank, ông Lê Trọng Trí - nguyên phó tổng giám đốc Sacombank cũng là con rể của ông Bê (ông Trí là chồng của bà Trầm Thuyết Kiều).
Ngày 13-8-2015, NHNN đã đồng ý cho Southern Bank và Sacombank sáp nhập. Sau sáp nhập, Sacombank thuộc tốp 5 ngân hàng lớn nhất Việt Nam với tổng tài sản đạt 297.184 tỉ đồng; vốn chủ sở hữu đạt gần 24.506 tỉ đồng, trong đó vốn điều lệ là 18.853 tỉ đồng; mạng lưới hoạt động lên đến 563 điểm giao dịch trên toàn quốc và 2 nước Lào, Campuchia; tổng số cán bộ nhân viên là 15.510 người.
Đến tháng 11-2015, ông Trầm Bê tự nguyện cam kết ủy quyền không hủy ngang, vô thời hạn đối với toàn bộ số cổ phần tại Sacombank, Southern Bank và Sacombank sau sáp nhập. Đến ngày 11-11-2015, ông Trầm Bê xin thôi giữ chức vụ phó chủ tịch thường trực HĐQT Sacombank.
Theo báo cáo của Sacombank, tại thời điểm tháng 6-2016, gia đình ông Trầm Bê sở hữu đến 9,51% cổ phần ngân hàng này. Thế nhưng, trên thực tế ông nắm giữ hơn 50% cổ phần Sacombank. Ngày 24-2-2017, ông Bê và con trai Trầm Khải Hòa xin từ nhiệm chức danh thành viên HĐQT Sacombank. NHNN cũng công bố chấm dứt vai trò quản trị - điều hành của cha con ông Bê tại Sacombank. Ngày 30-6-2017, đại hội cổ đông Sacombank chính thức bãi nhiệm HĐQT nhiệm kỳ cũ, trong đó có ông Bê và ông Hòa.
Thy Thơ
Bình luận (0)