Tại nhiều lễ hội thu hút đông du khách tham dự dịp năm mới, hầu như ở đâu người ta cũng nghe tiếng loa phóng thanh cảnh báo đề phòng kẻ gian. Lễ hội không thể thiếu các dịch vụ đi kèm nhưng không ai có thể kiểm soát được giá cả rất vô lý của chúng.
“Mùa” móc túi, trộm cắp
Chen trong đám đông đi trẩy hội, có không ít băng nhóm hành nghề móc túi. Mùa lễ hội đã trở thành mùa “làm ăn” phát đạt nhất trong năm của những kẻ này. Theo Công an phường Văn Miếu, quận Đống Đa - Hà Nội, chỉ trong 10 ngày đầu năm, họ nhận khoảng 20 vụ khai báo mất trộm ví, điện thoại di động, túi xách... của những người dự lễ hội xin chữ đầu năm ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Ở một nơi như Văn Miếu – Quốc Tử Giám, du khách lại phải chứng kiến nhiều cảnh chướng tai gai mắt từ bọn móc túi, trộm cắp. TS Đặng Kim Ngọc, Trưởng Ban Quản lý khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, bức xúc: “Dù công an quận Đống Đa và phường Văn Miếu đã huy động nhiều nhân lực, cả cảnh sát mặc thường phục, lực lượng bảo vệ của chúng tôi cũng đã làm việc rất tích cực nhưng bọn móc túi, trộm cắp hoạt động quá tinh vi, chúng phối hợp thành nhóm nên hầu như chưa bắt được quả tang vụ nào”.
Trò chơi “chiếc nón kỳ diệu” thực chất là đỏ đen, lừa đảo du khách hoạt động ì xèo bên lề lễ hội chùa Bái Đính
Ở các cột điện và trên tường xung quanh những đền chùa tại Hà Nội dán rất nhiều tờ giấy in chữ “Rơi giấy tờ”. Thực chất, đó là lời cầu cứu những người bị móc trộm ví có nhiều giấy tờ quan trọng và phải dùng “hạ sách” này để kẻ gian rủ lòng thương cho chuộc lại.
Cách đây không lâu, tại phủ Tây Hồ còn có cả một “đội quân” chuyên móc túi, ăn trộm tiền cúng lễ của người đi trẩy hội. Ban Quản lý phủ Tây Hồ đã phải dán hình của các đối tượng này để du khách đề phòng.
Đua nhau “chặt chém”
Du khách đi trẩy hội bây giờ cũng đã có nhiều kinh nghiệm trong việc sử dụng các dịch vụ nhưng vẫn không ít người phải nuốt quả đắng do bị “chặt chém” vô tội vạ. Với những kiểu bắt chẹt du khách, tự ý nâng giá không ai kiểm soát, nhiều dịch vụ ở các lễ hội truyền thống ngày càng mang đậm tính lừa đảo.
Ban Tổ chức Lễ hội chùa Hương năm nay khuyến cáo du khách “trả giá trước khi sử dụng dịch vụ” nhưng sau chưa đầy một tuần diễn ra lễ hội, đã có 11 đối tượng bắt chẹt khách bị tạm giữ.
Các hình thức “chặt chém” khách diễn ra ở hầu hết các loại hình dịch vụ, từ đi đò, ăn uống cho tới mua đồ lễ, thuê chỗ nghỉ chân... Hôm đến chùa Hương, tôi vào một quán ăn ổ bánh mì và không thể tin ở tai mình khi bị tính giá tới 50.000 đồng!
Ở lễ hội phủ Tây Hồ, cơ quan chức năng phải dán hình những đối tượng trộm cắp, móc túi để du khách đề phòng
Ở Hội chợ Viềng tại huyện Vụ Bản - Nam Định, nhiều năm qua, nạn nâng giá giữ xe vô tội vạ đã khiến du khách hết sức bức xúc. Vào ngày chính hội - mùng 7 Tết vừa qua, giá giữ xe máy ở đây đến 50.000 đồng/chiếc, ô tô khoảng 200.000 đồng/chiếc. Nếu là ô tô từ 40 chỗ ngồi trở lên, chủ các bãi giữ xe tự phát thu tới 300.000 đồng/chiếc.
Thượng tá Phạm Văn Vụ, Phó trưởng Công an huyện Vụ Bản, cho biết: “Các bãi giữ xe tự phát đều do tư nhân tận dụng đất nhà, sân vườn của họ để kinh doanh mùa lễ hội nên rất khó xử lý; còn các bãi giữ xe của ban tổ chức thì vẫn thu theo giá quy định”.
Nạn ăn xin cũng là hình ảnh xấu khó bỏ ở nhiều lễ hội. Tại chùa Bái Đính, người ăn xin đứng ngồi la liệt từ cổng vào đến tận những ngôi chùa trên núi cao. |
Thực tế, các bãi giữ xe của ban tổ chức lễ hội đáp ứng chưa tới 1/10 nhu cầu nên khách đành gửi xe ở các điểm bên ngoài. Trong những ngày cao điểm lễ hội đầu năm ở các đền chùa tại Hà Nội, người dân buộc lòng trả phí trông giữ xe cao gấp 3 - 4 lần so với giá ngày thường.
Đủ kiểu lừa đảo, đỏ đen
Chuyện lừa đảo ở các lễ hội diễn ra ngay cả ở những dịch vụ liên quan đến vấn đề tâm linh như đổi tiền lẻ, khấn thuê, lễ bái thuê. Tại lễ hội chùa Bái Đính - Ninh Bình, ngôi chùa lớn nhất nước về quy mô xây dựng, dịch vụ đổi tiền lẻ có mức quy đổi 10 “ăn” 7, nghĩa là đổi 100.000 đồng du khách chỉ nhận được 70.000 đồng tiền lẻ. Tuy nhiên, thường thì số tiền lẻ thực tế luôn ít hơn, đôi khi chỉ còn 6, thậm chí 5 nhưng vì đã đổi rồi nên du khách đành tặc lưỡi bỏ qua.
Các hình thức cờ bạc vốn vẫn bị cấm như xóc đĩa, bầu cua... cứ đến dịp lễ hội bỗng trở thành “hợp pháp”. Nhiều trò “rút thăm có thưởng”, thậm chí mạo danh cả một game show truyền hình là “Chiếc nón kỳ diệu” nhưng thực chất là sát phạt đỏ đen, cũng hoạt động vô tư.
Ở những trò cờ bạc, đỏ đen ăn theo lễ hội này, du khách rất dễ sập bẫy bởi những người tổ chức luôn có “chân gỗ” dụ khách và có nhiều thủ thuật lừa bịp người chơi. Nhiều người dễ dàng mất bạc triệu vì ham mê đỏ đen trong những mùa lễ hội từ những trò chơi “hái lộc đầu Xuân” mang nặng tính lừa đảo.
Kỳ tới: Nhạt màu truyền thống
Bình luận (0)