xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Xô bồ lễ hội: Khổ vì dịch vụ ăn theo

Bài và ảnh: QUỐC DŨNG

Khách hành hương đến chùa Bà Chúa Xứ núi Sam ở Châu Đốc – An Giang luôn bị chèo kéo, lừa đảo, "chặt chém" bởi vô số dịch vụ ăn theo mùa lễ hội vía Bà

Hằng năm, cứ sau Tết là khách hành hương khắp nơi lại đổ xô đi viếng chùa Bà Chúa Xứ núi Sam ở thị xã Châu Đốc - tỉnh An Giang. Mùa lễ hội vía Bà bắt đầu khởi động và kéo dài đến hết tháng 4 âm lịch.
 
Dù năm nào chính quyền địa phương cũng có nhiều nỗ lực nhằm quản lý, kiểm soát nhưng rốt cuộc đều gần như bất lực trước nạn chèo kéo khách, lừa đảo, giật dọc táo tợn ở đây.
 
img
Khách hành hương đến chùa Bà Chúa Xứ núi Sam nhiều khi chỉ khấn lạy nhau
hoặc khấn lạy mấy cây cột vì khó có thể đến gần tượng Bà !
 
Bát nháo, chụp giật
 
Xung quanh khu vực chùa Bà Chúa Xứ núi Sam, đủ loại dịch vụ ăn theo mùa lễ hội mọc lên ngày càng nhiều. Không chỉ đua nhau chèo kéo, giành giật khách, gặp dịp là chủ dịch vụ lại ra tay "chặt chém", lừa đảo.
 
Hùng hậu nhất có lẽ là đội quân cò mồi, mua bán nhang đèn, đồ cúng, chim phóng sinh. Họ đeo bám, dùng mọi cách để chèo kéo khách mua hàng rồi tính giá "trời ơi đất hỡi". Nếu khách không chịu trả tiền với giá cắt cổ, những người này không tiếc lời chửi bới, thậm chí đe dọa "xử đẹp"!
 
Tối mùng 10 Tết (ngày 12-2), sau khi bấm bụng trả tiền thuê phòng trọ với giá trên trời ở khu vực gần cổng chùa Bà, chúng tôi vào chùa tham quan, cúng viếng.
 
Chưa đến cổng chùa, chúng tôi đã bị cánh cò mồi của các quán ăn níu kéo. Chúng tôi vất vả vừa len lỏi trong đám đông khách hành hương vừa cố trốn thoát lực lượng xe lôi, bán nhang đèn, hoa trái, chim phóng sinh... cứ bám theo nhì nhằng  mời mọc.
 
Bên trong chùa, người cúng viếng đông nghẹt, khói nhang mù trời.  Không chịu nổi không gian quá ngột ngạt, chúng tôi vòng ra trước sân chùa. Lập tức, hàng chục người đeo, quẩy lỉnh kỉnh nhang đèn, vàng mã... liền ập đến. Cảnh giành giật khách thật xô bồ, bát nháo: "Ông áo vàng đó của tao!". "Không được đến bà đeo kính kia!"...
 
Trong lúc đang loay hoay giữa đám đông chèo kéo, chợt tôi được một phụ nữ dúi vào tay mẩu giấy màu đỏ, bảo: "Bà cho lộc đó”, rồi quay đi. Ra đến chỗ ít người, tôi tò mò mở mẩu giấy ra xem, thấy chẳng có gì bèn vứt vào thùng rác.
 
Vậy mà một lát sau, người phụ nữ nọ quay lại, thản nhiên đòi tiền bán "lộc Bà”. Tôi nhất quyết không chịu trả tiền, bà ta liền hùng hổ quát tháo đe nẹt, rồi gọi những "đồng nghiệp" đến vây quanh uy hiếp.
 
Chỉ đến khi những người bạn tôi nghe ồn ào chạy đến, bà ta mới chịu bỏ đi, sau khi không quên buông những câu chửi rủa những lời tàn độc.
  
"Bị câm hả, mày?"!
 
Mệt mỏi vì bỗng dưng gặp chuyện không đâu, chúng tôi quyết định ra khỏi chùa Bà để đến viếng lăng Thoại Ngọc Hầu bên kia đường. Trước thềm lăng, tôi lại bị một phụ nữ hành nghề chụp ảnh bám theo chào mời.
 
Mặc cho bà ta lẽo đẽo theo nài nỉ, tôi vẫn chẳng nói chẳng rằng, cứ nghĩ rằng như vậy là "thượng sách" để thoát khỏi cảnh bị đeo bám. Tuy nhiên, thấy tôi cứ lẳng lặng, bà ta liền nổi cáu, quát: "Bị câm hả, mày?"!
 
Cạnh cầu thang dẫn lên lăng Thoại Ngọc Hầu, một khách hành hương đang cãi nhau quyết liệt với 2 người bán chim phóng sinh. Tuy nhiên, trước 2 người bán chim quá dữ dằn, chị đành móc túi trả 500.000 đồng cho họ.
 
Thấy chúng tôi đến hỏi chuyện, chị uất ức: "Tôi thỏa thuận mua một chục chim với giá 5.000 đồng để phóng sinh làm phước. Chim để trong bọc ni lông. Khi tôi nhắm mắt khấn vái, chúng đưa một cặp chim để thả. Mở mắt ra, tôi thấy bọc ni lông trống trơn, họ bảo đã thả giùm rồi. Tôi rất bức xúc nhưng cố nhịn. Có lẽ thấy tôi hiền quá, chúng làm tới, đòi tôi trả 50.000 đồng/chục chim và còn bảo trong bọc có hơn 100 con, buộc tôi trả cả thảy 700.000 đồng. Tôi tức quá nhưng cũng sợ vì thấy chúng hung dữ, đành trả 500.000 đồng, chúng mới chịu bỏ đi".
 
Không còn ý nghĩa tâm linh
 
Cũng như bao khách hành hương khác, bà Nguyễn Thị Na lặn lội từ TPHCM đến chùa Bà Chúa Xứ núi Sam. Ở tuổi xấp xỉ 70, bà Na khó khăn lắm mới thoát được các đợt đeo bám của cánh cò mồi để vào được bên trong chùa.
 
Người quá đông, chen lấn nhau cúng bái nên bà Na không thể thực hiện được ý nguyện nhìn thấy mặt Bà Chúa Xứ. Tặc lưỡi, bà Na và một phụ nữ trong đoàn hành hương từ TP lấy trái cây đặt lên bàn chuẩn bị cúng.
 
Thế nhưng, chưa kịp đốt cháy nén nhang, cánh bảo vệ đã ập tới, vơ tất cả đồ cúng của bà bỏ vào bao. Bà Na quay sang mếu máo: "Tôi chưa cúng mà?". Một bảo vệ thản nhiên: "Bà cứ cúng đi, tụi tôi phải dẹp vì đầy bàn rồi".
 
Gặp chúng tôi ngoài sân chùa, bà Na kể lại chuyện của mình rồi than phiền: "Làm vậy thì còn gì ý nghĩa tâm linh nữa chứ! Người ta đến đây chỉ để cúng nhưng đồ chưa cúng thì đã bị dẹp bỏ. Nhiều người không nhìn được mặt bà nên cứ khấn lạy... mấy cây cột, thậm chí lạy người đứng trước!".
 

Ăn xin la liệt

 
Từ cổng sau dẫn lên chùa Bà Chúa Xứ núi Sam, người ăn xin la liệt. Thấy chúng tôi, một ông lão liền nằm vật xuống đất, quơ chiếc nón lá xin tiền. Đối diện ông lão, 3 phụ nữ ngồi canh giữ 2 đứa trẻ dị tật. Khi có khách cho tiền, 3 phụ nữ này vừa cười tít mắt vừa vơ tiền cho vào chiếc túi đeo ở thắt lưng.
 
img
Ba phụ nữ này cứ cười tít mắt mỗi khi có ai cho tiền 2 đứa trẻ dị tật
 
Quanh khu vực chùa Bà, người giả dạng tu hành mặc áo cà sa, đầu cạo trọc, tay ôm bình bát xin tiền khách hành hương cũng rất nhiều. Tình trạng giả sư này đã tồn tại từ những mùa lễ hội vía Bà các năm trước nhưng đến nay vẫn không dẹp bỏ được.
 
Kỳ tới: Nhạt nhòa truyền thống
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo