Cù lao Ba Xang, Ba Xê và đất hai bên sông Đồng Nai (quận 9, TP HCM) có thể bị xóa sổ bởi dự án của Công ty CP Hàng hải và Đầu tư phát triển Hiệp Phước (Công ty Hiệp Phước)
Dự án duy tu, nâng cấp sông Đồng Nai từ cầu Đồng Nai đến rạch Ông Nhiêu do Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cấp phép. Hoạt động chính của dự án là nạo vét 10 triệu m3 trong 10 năm để đạt độ sâu 10-12 m. Phạm vi dự án thuộc địa bàn tỉnh Đồng Nai và TP HCM nhưng do vi phạm trong quá trình hoạt động, UBND tỉnh Đồng Nai đã ra quyết định đình chỉ nên dự án chỉ hoạt động tại TP HCM.
Còn sổ đỏ nhưng mất đất
Trong hồ sơ dự án, chủ đầu tư cũng xác định khu vực dễ bị sạt lở trong quá trình nạo vét là hai ga tránh tàu và cù lao Ba Xang, Ba Xê. Vì thế, biện pháp khống chế và giảm thiểu sạt lở trong quá trình thi công là không tập trung nạo vét lâu ngày tại một chỗ, tránh nạo vét sâu đáy sông tại một chỗ vì như thế sẽ tạo các vực xoáy cục bộ trong tầng cát khai thác. Chủ đầu tư cũng cam kết phạm vi nạo vét phải cách bờ tối thiểu 150 m.
Từ khi dự án được triển khai, bà Hoàng Thị Bích Diệp (ngụ tổ 2, khu phố Phước Thiện, phường Long Bình, quận 9) sống trong tình trạng thấp thỏm vì 3 xáng cạp dàn hàng trên sông ầm ầm đào múc từ 6-18 giờ, ngày nghỉ cũng không tha. Điều làm bà Diệp lo nhất là phần đất của gia đình sẽ bị sạt xuống sông như một số nhà trong khu vực này. “Ai cũng hiểu việc nạo vét hầu như không xảy ra hậu quả ngay lập tức mà nó tích tụ, lâu dài. Lúc sạt lở xảy ra, có khi chủ đầu tư đã “phủi tay” lâu rồi, ai sẽ chịu trách nhiệm bồi thường cho chúng tôi?” - bà Diệp lo lắng.
Cũng theo bà Diệp, nhiều khi xáng cạp vào quá gần bờ, khoảng cách chưa tới 100 m, gia đình bà phải ra mé sông phản đối. Ông Võ Đình Lộc, Trưởng Ban Điều hành khu phố Phước Thiện, cho biết chỉ riêng khu phố này nhiều năm qua, diện tích sạt lở đã lên đến hàng chục ha, nhiều hộ dân còn sổ đỏ nhưng không còn đất. Vì thế, trước việc nạo vét quy mô lớn của Công ty Hiệp Phước, người dân rất lo lắng tình trạng sạt lở sẽ xảy ra nhanh chóng và nghiêm trọng hơn.
Theo người dân khu phố Phước Thiện, việc nạo vét được tiến hành từ 6-18 giờ . Tuy nhiên, văn bản của Chi cục Đường thủy nội địa phía Nam (Cục Đường thủy nội địa) chỉ cho phép đơn vị thi công từ 7-17 giờ.
Cát múc lên, bùn - đá trả lại
Theo ông Võ Đình Lộc, nếu là nạo vét cho tàu bè lưu thông thì phải làm hết toàn tuyến, trong khi Công ty Hiệp Phước lựa toàn chỗ có cát múc hơn cả tháng, những khu vực có đá thì không múc. “Thỉnh thoảng họ lại vào gần bờ mà múc, có tàu bè nào đi vô đấy đâu? Với lại, sông Đồng Nai khúc này luôn là điểm nóng khai thác cát lậu nên nói cạn 3-4 m như chủ đầu tư là rất khó tin. Theo tôi, họ tận dụng chỗ có cát nhiều để khai thác thôi!” - ông Lộc nhận định.
Ông Lộc cho biết cách đây 1 tháng, khi nghe người dân phản ánh, ông xuống xem thử thì thấy xáng cạp khi cạp phải bùn đã đổ trở lại sông.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, hoạt động nạo vét khá đơn giản: 4 gầu múc liên tục móc cát dưới sông đưa lên sà lan, công nhân được huy động để nhặt đá và các loại khác thả trở lại sông. Có lẽ vì vậy mà những sà lan cát đầy lên nhanh chóng, không có tạp chất nên vàng óng một màu!
Rõ ràng, Công ty Hiệp Phước đã có rất nhiều vi phạm trong quá trình triển khai dự án. Thế nhưng, trong khi dư luận đang chờ đợi những biện pháp xử lý nghiêm khắc và triệt để từ Bộ GTVT thì ngược lại, cơ quan này vẫn liên tục đốc thúc, mở rộng đường để doanh nghiệp nạo vét?!
Kỳ tới: Làng mạc sẽ biến mất
32 ha đất trôi sông
Báo cáo mới nhất của UBND quận 9 về tình trạng khai thác cát trái phép cho thấy sạt lở đất đang diễn ra rất nghiêm trọng. Tính đến tháng 3-2014, diện tích sạt lở là khoảng 32 ha, tập trung chủ yếu các tại vị trí như: cù lao Ba Xang, ngã ba sông Tắc, khu phố Trường Khánh, phường Long Phước. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng sạt lở là hoạt động khai thác cát trái phép trên tuyến sông Đồng Nai, sông Tắc. Vì thế, quận 9 kiến nghị TP chỉ đạo các sở - ngành phòng chống khai thác cát trái phép; đồng thời kiểm tra, giám sát việc lợi dụng danh nghĩa xã hội hóa nạo vét luồng tuyến để khai thác cát.
Bình luận (0)