Dự án xe buýt nhanh khối lượng lớn (BRT) thí điểm tuyến Kim Mã - Yên Nghĩa được triển khai từ đầu năm 2013, có kinh phí đầu tư khoảng 1.000 tỉ đồng từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới. Đây là tuyến thí điểm trước khi UBND Hà Nội xem xét nhân rộng thêm 7 tuyến buýt nhanh khác theo quy hoạch giao thông vận tải thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050.
Một ngày 4 vụ tai nạn
Dự án triển khai trên tuyến đường dài 14,7 km từ Bến xe Kim Mã qua Giảng Võ - Láng Hạ - Lê Văn Lương kéo dài - trục phía Bắc Hà Đông - Lê Trọng Tấn - Trần Phú - Ba La - Bến xe Yên Nghĩa (quận Hà Đông). Trung tâm điều hành giao thông sẽ được xây dựng tại khu vực Bến xe Kim Mã.
Tuyến xe buýt nhanh này đi trên một làn đường riêng có chiều rộng 3,5 m, tách biệt với làn đường dành cho phương tiện hỗn hợp bằng một dải phân cách có gờ cao 20 cm. Làn đường cho BRT được thiết kế nằm sát dải phân cách giữa.
Trong quá trình thi công, đến nay, trên tuyến đường Lê Văn Lương và Lê Trọng Tấn (phường La Khê, quận Hà Đông), đơn vị thi công đã tạo ra những gờ bê-tông cao hơn 3-5 cm so với mặt đường nhựa, tạo thành gờ cao hay rãnh sâu kéo dài ở khu vực nhà chờ, vô tình tạo thành những cái bẫy gây nguy hiểm cho người đi xe máy. Nhiều vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra bởi những gờ bê-tông này.Thương tâm nhất là trường hợp một cô gái chạy xe máy vào phần đường có gờ bê-tông (đoạn đang thi công trạm xe buýt nhanh) trên đường Lê Trọng Tấn lúc 6 giờ ngày 21-4. Cô gái bị trượt ngã văng xuống đường rồi bị xe tải từ phía sau lao tới đâm vào xe máy khiến cô tử vong tại chỗ.
Chiều 22-4, khi thấy phóng viên Báo Người Lao Động đang tác nghiệp tại khu vực nhà chờ trên đường Lê Trọng Tấn, nhiều người dân ở khu vực này bức xúc cho rằng đơn vị thi công đã vô trách nhiệm, thi công cẩu thả và để những gờ bê-tông cao hơn hẳn mặt đường.
Bà Nguyễn Thị Hằng (ngụ đường Lê Trọng Tấn thuộc khu đất dịch vụ Giếng Sen, phường La Khê) cho biết kể từ ngày thi công nhà chờ ở đây, không kể vụ tai nạn sáng 21-4 khiến cô gái tử vong thì nơi đây đã xảy ra hàng chục vụ tai nạn vì những gờ bê-tông nhô cao.
“Riêng ngày 21-4 có 4 vụ bị ngã xe ở chỗ này. Hằng ngày, cứ tầm hơn 5 giờ là đèn đường tắt, tầm nhìn hạn chế, người dân đi xe máy bị ngã liên tục vì bánh xe đi vào giữa những gờ bê-tông. Nhẹ thì bị xây xát, nặng thì phải đi cấp cứu” - bà Hằng nói.
Ông Lê Văn Ninh, một người dân ở khu vực này, cho hay ngay sau vụ tai nạn khiến cô gái tử vong thì sáng 22-4, cũng tại chỗ này tiếp tục có 1 cụ ông đi xe máy bị ngã khi đi vào gờ bê-tông nhô cao.
“Ông cụ ngã xuống, máu me đầy miệng và đầu, người dân phải đưa đi cấp cứu. Chúng tôi vô cùng bức xúc bởi hàng loạt vụ tai nạn xảy ra mà đơn vị thi công không hề có biển cảnh báo nguy hiểm ở 2 đầu thi công nhà chờ để dân biết mà tránh. Đây đúng là những cái bẫy chết người chứ còn gì nữa” - ông Ninh bức xúc.
Sẽ khắc phục trong tuần này
Ông Phạm Hoàng Tuấn, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, cho hay sáng 22-4, ông và các cán bộ của sở đã trực tiếp đi kiểm tra những gờ bê-tông trên toàn tuyến phục vụ dự án xe buýt nhanh từ Kim Mã đến Bến xe Yên Nghĩa. Trước mắt, ông Tuấn yêu cầu các đơn vị thi công phải khắc phục theo hướng vuốt nối ngay những chỗ gờ bê-tông cao để bảo đảm đi lại êm thuận, không gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. “Việc xử lý các gờ cao nguy hiểm này chậm nhất phải xong trước chủ nhật tuần này” - ông Tuấn khẳng định.
Đến nay, dự án xe buýt nhanh khối lượng lớn đang đi vào hoàn thiện, các gói thầu xây nhà chờ, 2 điểm đầu, cuối đã hoàn thiện tới 80%; gói mua sắm thiết bị, xe buýt cũng đang được triển khai. Tuy nhiên, dự án đang chậm tiến độ nên sau buổi kiểm tra thực tế, Sở GTVT Hà Nội sẽ họp và đốc thúc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ để chậm nhất vào đầu năm 2016 sẽ đưa tuyến buýt nhanh đầu tiên ở thủ đô vào hoạt động.
Bình luận (0)