Bà bộ trưởng đã chua xót: “Chẳng có bệnh viện nào ở nơi đâu, chỉ tính xung quanh các nước Đông Nam Á thôi, mà bệnh nhân phải nằm dưới đất, dưới gầm giường như chúng ta…”.
Tình trạng quá tải ở các bệnh viện đâu phải bây giờ mới có mà đã tồn tại nhiều năm qua, không khác gì tình trạng ùn tắc giao thông ở TPHCM, chỉ có tăng chứ không giảm.
Bộ trưởng cùng các nhà quản lý ngành y tế đã đưa ra nhiều nguyên nhân để giải thích tình trạng quá tải ở các bệnh viện, trong đó đặc biệt nhấn mạnh nguyên nhân chính là do người bệnh thường tập trung ở tuyến trên do không tin tưởng y tế cơ sở… Giải thích như vậy là đúng nhưng lại đổ trách nhiệm về phía người bệnh, còn về phía quản lý Nhà nước?
Thực ra trong thời gian qua, ngành y tế cũng như các bệnh viện lớn đã có nhiều cố gắng để giảm tải nhưng gần như bất lực. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng quá tải các bệnh viện bắt nguồn từ một nền y tế thiếu căn bản, mất cân đối. Chúng ta đã đầu tư cho y tế cơ sở rộng khắp nhưng lại kém chất lượng nên người bệnh không tin tưởng. Đây là vấn đề căn bản nhưng để giải quyết căn cơ không hề đơn giản, nó liên quan đến chế độ chính sách đối với cán bộ y tế về chuyên môn lẫn cơ chế. Nguyên nhân khác không kém quan trọng là ngành y tế thiếu quyết tâm. Ví dụ, không thể nói do chính sách giảm đầu tư công mà các bệnh viện cửa ngõ TPHCM không xây dựng đúng tiến độ, nguyên nhân chủ yếu là do không giải phóng nổi mặt bằng xây dựng.
Nền kinh tế nước ta đã ở mức phát triển nhất định. Chúng ta hoàn toàn đủ tài lực để xây dựng một nền y tế vì dân, có chất lượng cao, nhưng vì sao ngành y tế lại để tình trạng quá tải tại các bệnh viện kéo dài trong nhiều năm qua?
Bình luận (0)